Ngày 3/6 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng – Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã chủ trì buổi gặp gỡ báo chí thông tin về những kết quả đạt được sau 20 năm triển khai Nghị quyết 36-NQ/TW, Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ 4, Diễn đàn Trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài năm 2024.
Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, sự kiện thu hút sự tham gia của đông đảo phóng viên trong nước, các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có nhiều phóng viên kiều bào, thể hiện sự quan tâm của các cơ quan thông tấn, báo chí, hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài đối với công tác về người Việt Nam ở nước ngoài.
Nhiều điểm sáng sau 20 năm triển khai Nghị quyết 36-NQ/TW
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định, sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 36/NQ-TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài (Nghị quyết 36), cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng lớn mạnh, gia tăng về số lượng và mở rộng hơn về địa bàn. Vai trò, vị thế và uy tín của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong xã hội sở tại ngày càng nâng cao.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng – Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã chủ trì buổi gặp gỡ báo chí (Ảnh: Tuấn Việt) |
Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng gắn bó và hướng về quê hương, thực sự trở thành một bộ phận không tách rời và là một nguồn lực quan trọng trong xây dựng, bảo vệ, phát triển và hội nhập của đất nước. Với cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế của đất nước ngày càng cao, niềm tin của của cộng đồng vào sự phát triển của đất nước được củng cố và tăng cường.
Trong 20 năm qua, sự trở về đầu tư, kinh doanh trong nước của các doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng nổi bật. Dòng kiều hối đổ về Việt Nam dịch chuyển từ tiêu dùng, hỗ trợ gia đình sang đầu tư, kinh doanh trong nước.
Tổng lượng kiều hối từ 1993-2023 đạt khoảng 230 tỷ USD, tương đương với nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài (FDI) đã giải ngân trong cùng kỳ.
Đặc biệt, từ năm 2020, kiều hối về Việt Nam đã vượt qua dòng vốn FDI giải ngân và vốn viện trợ nước ngoài ODA, góp phần cải thiện cán cân thanh toán, ổn định kinh tế vĩ mô, giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Về dự án đầu tư trực tiếp, tới tháng 11/2023, kiều bào từ 32 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư 421 dự án tại 42/63 tỉnh, thành ở Việt Nam với tổng số vốn đăng ký 1,72 tỷ USD. Bên cạnh đó, hàng ngàn doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa của người Việt Nam ở nước ngoài tham gia đầu tư, hoạt động tại Việt Nam trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Nghị quyết 36 đã tạo bước ngoặt lớn trong công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Có thể khẳng định, trải qua 20 năm triển khai, đến nay Nghị quyết số 36-NQ/TW vẫn còn nguyên ý nghĩa và giá trị, thể hiện tầm nhìn của Đảng về công tác người Việt Nam ở nước ngoài, là kim chỉ nam cho hoạt động của Đảng, Nhà nước, các bộ, ban ngành, địa phương và xã hội trong triển khai công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài.
Diễn đàn kết nối người Việt ở nước ngoài
Tiếp nối thành công của ba lần tổ chức trước đó (năm 2009, 2012 và 2016), từ ngày 21-24/8, Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ 4, Diễn đàn trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài (Hội nghị và Diễn đàn) tại Hà Nội chủ đề “Người Việt Nam ở nước ngoài chung tay hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước”.
Hội nghị và Diễn đàn diễn ra trong bối cảnh năm 2024 là năm bản lề trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; là năm đánh dấu 20 năm triển khai Nghị quyết số 36; cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài mong muốn góp phần cùng nhân dân cả nước hiện thực hóa khát vọng và tầm nhìn phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc – như chủ đề của Hội nghị.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng thông báo “Hội nghị Diên Hồng” của người Việt Nam ở nước ngoài sẽ diễn ra vào tháng 8/2024 (Ảnh: Tuấn Việt) |
Hội nghị và Diễn đàn dự kiến được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự tham gia của khoảng 600 đại biểu kiều bào và trong nước. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ sẽ dự và phát biểu chỉ đạo tại Phiên khai mạc Hội nghị và Diễn đàn.
Theo đó, Hội nghị gồm có 4 phiên chuyên đề: Kiều bào với sự phát triển công nghệ cao của Việt Nam; Doanh nghiệp, doanh nhân kiều bào đồng hành cùng đất nước; Đại đoàn kết dân tộc, công tác hội đoàn và vai trò của thế hệ trẻ kiều bào; Kiều bào – Sứ giả văn hóa và ngôn ngữ Việt.
Hội nghị và Diễn đàn là dịp tốt để đánh giá kết quả triển khai 20 năm thực hiện Nghị quyết 36; cơ hội để các cơ quan trong nước nắm được tình hình, nguyện vọng, khó khăn, vướng mắc của người Việt Nam ở nước ngoài, từ đó đẩy mạnh công tác chăm lo, hỗ trợ kiều bào.
Đây cũng là dịp để kiều bào đóng góp ý kiến, hiến kế cho việc xây dựng và phát triển đất nước trong tình hình mới; tăng cường kết nối giữa doanh nhân, chuyên gia trí thức người Việt Nam ở nước ngoài với trong nước; thúc đẩy đầu tư của kiều bào cũng như kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước.
Trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu còn tham gia các hoạt động như chào Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, khảo sát thực tế, gặp gỡ và trao đổi với địa phương và doanh nghiệp trong nước…
Trả lời phỏng vấn báo chí, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định Nghị quyết 36 mang tính chất đột phá và mở đường cho việc triển khai công tác về người Việt Nam ở nước ngoài. Trên thực tế, khi ban hành Nghị quyết, việc triển khai các văn bản pháp luật của Đảng và Nhà nước rất được quan tâm và trú trọng về quyền và lợi ích của bà con ta ở nước ngoài.
Trong suốt quá trình 20 năm triển khai, Nghị quyết có sự tham gia của toàn bộ hệ thống chính trị, từ các cấp trung ương đến địa phương, đặc biệt, được đại bộ phận người Việt Nam ở nước ngoài ủng hộ, đồng lòng.
Thứ trưởng cho rằng, nguồn lực về tri thức kiều bào ở nước ngoài vô cùng to lớn và còn dư địa để phát huy và khai thác hơn nữa. Với lực lượng trí thức Việt Nam ở nước ngoài chiếm khoảng 10% tổng số người Việt Nam ở nước ngoài và đại đa số đang làm việc ở các nước tiên tiến, các nước phát triển.
“Nếu chúng ta khai thác tốt được nguồn lực này sẽ là đóng góp rất lớn vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, đáp ứng những mục tiêu lớn cho đến năm 2030, 2045”, Thứ trưởng nói.
Thứ trưởng chia sẻ, để khai thác các nguồn lực này, Việt Nam cần có những chính sách thu hút phù hợp như bảo đảm quyền và lợi ích của đội ngũ chuyên gia trí thức khi trở về Việt Nam làm việc hay đóng góp từ xa; chế độ đãi ngộ phù hợp và môi trường làm việc năng động, hiệu quả.