Xuất khẩu nông sản khởi sắc: Đâu là ‘át chủ bài’ của Việt Nam?

ANCOFI – Bức tranh xuất khẩu nông sản đầu năm 2025 có nhiều tín hiệu sáng. Bộ Công Thương đã và đang triển khai nhiều giải pháp xúc tiến xuất khẩu mặt hàng này.

Chiều 27/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp với Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam. Cuộc họp có đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành. Về phía Bộ Công Thương, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân tham dự cuộc họp.

Xuất khẩu nông sản tăng trưởng mạnh mẽ

Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đã thông tin về tình hình xuất khẩu nông lâm thuỷ sản 2 tháng đầu năm.

Xuất khẩu nông sản khởi sắc: Đâu là ‘át chủ bài’ của Việt Nam?
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm việc với Tổng hội Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam – Ảnh: VGP/Minh Khôi

Theo số liệu từ Cục Hải quan, trong hai tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản đạt 8,4 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2024 và chiếm khoảng 13,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Cụ thể, giá trị xuất khẩu của 5 trong 10 mặt hàng chủ lực đã ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể so với năm trước. Cụ thể:

  • Hạt tiêu đạt gần 27,3 nghìn tấn, trị giá 184,5 triệu USD, giảm 11,6% về lượng nhưng tăng 48,6% về trị giá.
  • Cà phê đạt 309,5 nghìn tấn, trị giá gần 1,7 tỷ USD, giảm 22% về lượng nhưng tăng 37,2% về trị giá.
  • Cao su đạt 276 nghìn tấn, kim ngạch đạt 524 triệu USD, giảm 7,4% về lượng nhưng tăng 22,8% về trị giá.
  • Hàng thủy sản đạt 1,43 tỷ USD, tăng 19% về trị giá.
  • Gỗ và sản phẩm gỗ đạt gần 2,5 tỷ USD, tăng 9,4% về trị giá
Xuất khẩu nông sản khởi sắc: Đâu là ‘át chủ bài’ của Việt Nam?
Dù gặp nhiều khó khăn song gạo Việt vẫn được nhiều thị trường ưa chuộng (Ảnh: Cấn Dũng)

Trong hai tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt 1,23 triệu tấn, trị giá 675 triệu USD, tăng 17,6% về lượng so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu là nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường truyền thống như Philippines, Trung Quốc và các quốc gia châu Phi vẫn duy trì ở mức cao. Đặc biệt, giá gạo Việt Nam tiếp tục giữ lợi thế cạnh tranh nhờ vào chất lượng sản phẩm cải thiện và chính sách thương mại linh hoạt.

Nhìn chung, nhóm hàng nông sản vẫn giữ vai trò chủ lực trong xuất khẩu, đóng góp lớn vào mức tăng trưởng chung. Các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong nhóm bao gồm cà phê, gạo, hạt điều, hồ tiêu, rau quả và cao su. Ngoài ra, xuất khẩu thủy sản và lâm sản cũng ghi nhận sự tăng trưởng tích cực nhờ vào nhu cầu quốc tế tăng cao.

Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và hiệp hội ngành hàng nông nghiệp để đẩy mạnh các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm, thủy hải sản, qua đó góp phần vào thành công kỷ lục trong sản xuất và xuất khẩu nông sản.

Cụ thể, Bộ Công Thương đã cung cấp thông tin về thị trường xuất khẩu, các chính sách thương mại, tiêu chuẩn và quy định đối với sản phẩm, nhu cầu và thị hiếu tiêu dùng tại các thị trường mục tiêu. Ngoài ra, bộ cũng cung cấp các thông tin dự báo về các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam, giúp doanh nghiệp chuẩn bị tốt hơn cho cơ hội và thách thức trong kinh doanh quốc tế. Bộ cũng tổ chức các chương trình Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, diễn ra định kỳ hàng tháng.

Đặc biệt, trong nhóm ngành nông sản và thực phẩm, Cục Xúc tiến thương mại đã tổ chức 3 hội nghị trao đổi thông tin và giải pháp xúc tiến xuất khẩu cho các mặt hàng nông sản, bao gồm: hội nghị về xúc tiến phát triển thị trường gạo xuất khẩu (tháng 2), cà phê và gia vị (tháng 4), và nông sản mùa vụ (tháng 5).

Trong khuôn khổ Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2024, các đơn vị chủ trì đã thực hiện 31 đề án phát triển thị trường và xúc tiến xuất khẩu cho nông sản, với tổng ngân sách hỗ trợ hơn 28,64 tỷ đồng, chiếm gần 20,8% tổng kinh phí của Chương trình.

Năm 2025, Bộ Công Thương đã phê duyệt 36 đề án phát triển thị trường nông sản theo Quyết định số 4057/QĐ-BCT ngày 31 tháng 12 năm 2024 về Chương trình cấp quốc gia về Xúc tiến thương mại năm 2025. Sau khi chương trình được phê duyệt, Cục Xúc tiến thương mại đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan xúc tiến thương mại của các bộ, ngành, hiệp hội ngành hàng, cơ quan xúc tiến thương mại địa phương và các phương tiện thông tin đại chúng để phổ biến thông tin và hướng dẫn các doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động xúc tiến thương mại phù hợp.

Đến nay, các đơn vị chủ trì đã triển khai 7 đề án trong lĩnh vực nông sản và thực phẩm, trong đó có các hội chợ nổi bật như: Hội chợ rau quả Fruit Logistica Berlin, Hội chợ hữu cơ Biofach, Hội chợ quốc tế thực phẩm và đồ uống Foodex. Các sự kiện này đã thu hút gần 120 doanh nghiệp Việt Nam tham gia, ký kết nhiều hợp đồng và biên bản ghi nhớ hợp tác, với tổng giá trị đạt gần 8,3 triệu USD.

Thêm vào đó, Chương trình thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam (Food of Vietnam) được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Công Thương triển khai với mục tiêu nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về việc xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu ngành thực phẩm, đồng thời thúc đẩy xuất khẩu nông sản thực phẩm Việt Nam. Chương trình bao gồm 9 mặt hàng thực phẩm chủ lực, bao gồm: Chè, hồ tiêu, hạt điều, cà phê, hoa quả, ngũ cốc, thủy sản, rau quả tươi và mật ong.

Trong những năm qua, thông qua các sự kiện xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, Bộ Công Thương đã lồng ghép việc tuyên truyền và quảng bá cho thương hiệu “Food of Vietnam” và các phân ngành thực phẩm cụ thể, đạt được nhiều kết quả tích cực, thu hút sự quan tâm từ cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng cả trong và ngoài nước.

Bộ Công Thương cũng tổ chức các khóa huấn luyện nhằm giúp doanh nghiệp nắm bắt xu hướng thị trường, nâng cao kỹ năng xuất khẩu và xúc tiến thương mại hiệu quả. Đồng thời, bộ phối hợp cùng các hiệp hội ngành hàng và đối tác quốc tế để tổ chức các chương trình kết nối trực tiếp.

Tiếp tục “mở lối” cho xuất khẩu nông sản

Mặc dù xuất khẩu nhóm hàng nông – lâm – thủy sản đạt kết quả khả quan, các doanh nghiệp vẫn đối mặt với một số thách thức lớn. Thị trường quốc tế vẫn tiềm ẩn nhiều biến động, đặc biệt là những rào cản thương mại ngày càng gia tăng từ các nước nhập khẩu. Ngoài ra, chi phí logistics và nguyên liệu đầu vào vẫn ở mức cao, ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, cơ hội cũng rất lớn khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) tiếp tục mang lại ưu đãi thuế quan và mở rộng thị trường cho hàng xuất khẩu Việt Nam. Việc đầu tư vào chuỗi cung ứng bền vững, nâng cao chất lượng sản phẩm và tận dụng lợi thế từ các FTA sẽ giúp doanh nghiệp duy trì đà tăng trưởng trong thời gian tới.

Trong thời gian tới, để tiếp tục vượt qua các thách thức của thị trường, thúc đẩy xuất khẩu nhóm nông lâm thuỷ sản, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng công tác dự báo biến động thị trường thế giới, tập trung thu thập thông tin về chiến lược sản xuất, xuất khẩu của các đối thủ cạnh tranh. Bên cạnh đó, tận dụng các yếu tố thuận lợi để củng cố, mở rộng vị thế của nhóm nông lâm thuỷ sản Việt Nam trong bối cảnh tình hình mới.

Bộ Công Thương cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy hoạch lại vùng nguyên liệu theo hướng mở rộng, chất lượng, hiệu quả, hỗ trợ các hộ nông dân chuyển đổi những cây năng suất thấp sang giống có năng suất cao hơn để gia tăng về sản lượng và chất lượng sau thu hoạch. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng chương trình hợp tác, đầu tư về vùng nguyên liệu điều với các nước châu Phi, Campuchia, Lào nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước tiếp cận nguồn nguyên liệu với giá cả cạnh tranh hơn.

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp tuyên truyền, vận động và hỗ trợ doanh nghiệp hội viên tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước, như Vietnam Foodexpo, Anuga, SIAL, Gulfood, và các sự kiện xúc tiến thương mại khác thuộc Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia. Các hoạt động này nhằm tạo cơ hội cho doanh nghiệp mở rộng thị trường và tăng trưởng xuất khẩu.

Bảo Ngọc

Theo Congthuong.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin liên quan