Ở chiều ngược lại, thép Việt Nam cũng là mặt hàng bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại từ rất nhiều quốc gia. Tính đến hết tháng 5/2024, trong tổng số 252 vụ việc nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại với Việt Nam có khoảng 30% vụ việc liên quan các sản phẩm thép. Các sản phẩm thép bị điều tra khá đa dạng, gồm thép mạ, thép không gỉ cán nguội, thép phủ màu, ống thép, mắc áo bằng thép, đinh thép,… Những vụ kiện này hầu hết xảy ra ở các thị trường xuất khẩu thép chủ lực của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU, Úc, Malaysia, Indonesia…
Tại Talkshow “Bảo vệ doanh nghiệp sản xuất thép trong thế gọng kìm” diễn ra mới đây, TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) cho biết, nếu chỉ tính trong nhóm WTO thì thép cũng là nhóm bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại nhiều nhất. Theo WTO, từ năm 1995-2023, đã có 2.123 vụ kiện chỉ tính bán phá giá, chưa tính các vụ kiện phòng vệ thương mại khác như chống trợ cấp hay tự vệ. Đặc biệt, trong 5 năm gần đây, từ năm 2019 đến nay, tổng số vụ việc chống bán phá giá đối với thép chiếm gần 49% số vụ việc cho cả 30 năm đó.
Riêng tại Việt Nam, đã có 12/28 vụ phòng vệ thương mại là đối với các sản phẩm thép, chiếm khoảng 46% tổng các vụ phòng vệ thương mại đã từng tiến hành đối với tất cả các loại sản phẩm ở Việt Nam cho đến nay. Trong khi đó, các nước đã đưa ra 73 vụ phòng vệ thương mại với thép xuất khẩu Việt Nam. Điều đó cho thấy, các nước vận dụng rất nhiều các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ thị trường của họ. Có những vụ việc như đối với cá basa hay tôm của Việt Nam, các nước đã áp dụng biện pháp chống bán phá giá hơn 20 năm.
“Rất khó có thể xác định số lượng phòng vệ thương mại của Việt Nam là đủ hay chưa đủ. Trong một bối cảnh nguy cơ nhập khẩu cạnh tranh không lành mạnh đối với ngành thép thì cao hơn hẳn so với ngành khác”, bà Trang nhận định.
Sản xuất thép trong nước (Ảnh minh họa) |
Chất lượng phòng vệ của Việt Nam ra sao?
Đánh giá chung về chất lượng biện pháp phòng vệ thương mại của Việt Nam, bà Trang nhận xét, ở phần lớn trong các vụ việc phòng vệ thương mại thì các doanh nghiệp đứng đơn kiện yêu cầu áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, đặc biệt là biện pháp chống bán phá giá, đã có sự chuẩn bị bài bản, có những công cụ, bằng chứng đáp ứng được các yêu cầu theo pháp luật.
“Qua theo dõi của chúng tôi, tất cả các vụ việc phòng vệ thương mại đối với thép thì chưa có vụ nào bị từ chối áp dụng biện pháp thương mại cả. Còn mức độ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đến đâu, mức thuế như thế nào và thời gian bao nhiêu lâu phụ thuộc vào từng loại. Điều này căn cứ vào thực tế là các sản phẩm nhập khẩu bị kiện áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại mức độ cạnh tranh không lành mạnh, mức độ bán phá giá, mức độ gây ra thiệt hại cho ngành sản xuất nội địa đến đâu sẽ có biện pháp tương ứng. Đến nay chúng tôi cũng chưa nhận được thông tin phản hồi từ các đối tác, thành viên khác của WTO về việc Việt Nam áp dụng chưa đúng hay chưa đảm bảo những yêu cầu của WTO”, bà Trang cho hay.
Còn theo ông Phạm Công Thảo, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam, hiện doanh nghiệp thép Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là chịu áp lực rất lớn từ thép nhập khẩu. Việt Nam nhập khẩu tới 14 triệu tấn thép trong năm 2023. Trong đó, có những sản phẩm mà doanh nghiệp Việt Nam đã đáp ứng được hoàn toàn. Hiện các cam kết theo các hiệp định WTO giảm dần, các hàng rào thuế quan cũng giảm dần nên các mặt hàng thép đã tăng cường thâm nhập vào thị trường Việt Nam.
“Vừa qua, Nhà nước cũng đã có các chính sách hỗ trợ cho ngành thép. Đặc biệt là các chính sách về phòng vệ thương mại. Việc phòng vệ này xuất phát từ áp lực quá lớn trong việc nhập khẩu. Thời gian qua, chúng ta cũng đã có một số biện pháp phòng vệ thương mại như phôi thép, thép xây dựng, thép không gỉ, tôn mạ màu… Gần đây, các doanh nghiệp cũng đặt vấn đề cần áp dụng phòng vệ thương mại với một số sản phẩm mới và tiếp tục duy trì phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm như thép không gỉ”, ông Thảo cho biết và khẳng định, để bảo vệ sản xuất trong nước, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại là tốt đối với những trường hợp cụ thể.
Theo các doanh nghiệp sản xuất thép, sự phát triển của ngành thép non trẻ của Việt Nam không thể thiếu sự ủng hộ của Nhà nước trên phương diện chính sách tổng thể chung, cũng như các biện pháp và hàng rào kỹ thuật, ví dụ như biện pháp phòng vệ thương mại, tiêu chuẩn kỹ thuật, hay một số rào cản khác để đối phó với những thách thức cụ thể đang đặt ra cho ngành thép.
Vì vậy, chính sách bảo vệ ngành công nghiệp nội địa là hết sức cần thiết đối với ngành quan trọng như ngành thép. Ngành thép với tư cách như là một ngành tạo ra “bánh mì của nền công nghiệp” rất cần được sự hỗ trợ, bảo vệ của Nhà nước để có thể phát triển bền vững, góp phần phát triền nền kinh tế tự lực tự cường của Việt Nam. Đồng thời, việc bảo vệ này phải có tính dài hạn thì mới đủ thời gian cho ngành non trẻ lớn mạnh, đủ sức cạnh tranh với các cường quốc thép khác trong khu vực.
Liên quan đến vấn đề này, trong báo cáo mới nhất về tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại, Bộ Công Thương cho biết, công tác khởi kiện, điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại tiếp tục được đẩy mạnh, tạo lập lại môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các ngành sản xuất trong nước. Thực tế, thời gian qua, hàng hóa nhập khẩu có dấu hiệu bán phá giá hoặc được trợ cấp, gây thiệt hại nghiêm trọng cho một số ngành sản xuất, nhiều nhất là ngành thép.
Đến nay, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra 28 vụ việc phòng vệ thương mại và đã áp dụng 22 biện pháp với hàng hóa nhập khẩu.
Theo đánh giá của ông Chu Thắng Trung – Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương maj (Bộ Công Thương), biện pháp phòng vệ thương mại với hàng nhập khẩu được áp dụng thời gian qua đã bảo vệ các ngành sản xuất trong nước, bảo vệ công ăn việc làm của hàng trăm ngàn lao động. Nhờ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại hợp lý, phù hợp với cam kết quốc tế, các ngành sản xuất trong nước được bảo vệ trước những hành vi cạnh tranh không bình đẳng, từ đó tạo điều kiện phát triển, tạo thêm việc làm và giá trị gia tăng cho nền kinh tế.
Ở góc độ tiêu dùng, các biện pháp phòng vệ thương mại trong dài hạn giúp nền kinh tế không bị phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu, đem lại ổn định và sức chống chịu tốt hơn trước những tác động và cú sốc từ bên ngoài.