Đáng chú ý, ngày 5/8 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã đồng loạt giảm lãi suất cho vay cầm cố giấy tờ có giá (OMO) và lãi suất tín phiếu 0,25 điểm %, từ 4,5%/năm xuống 4,25%/năm.
Đây là lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất OMO kể từ cuối năm 2023. Trước đó, nhà điều hành đã có 2 lần điều chỉnh tăng loại lãi suất này vào trung tuần tháng 4 và tháng 5/2024, từ 4% lên 4,25% và sau đó từ 4,25% lên 4,5%.
Ngành ngân hàng phải nêu cao trách nhiệm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp |
Theo các chuyên gia, việc giảm 2 loại lãi suất nêu trên được cho là nhằm hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng sau giai đoạn tăng lãi suất để giảm áp lực tỷ giá. Động thái này diễn ra trong bối cảnh tốc độ huy động vốn đang thấp hơn nhiều (chỉ bằng 1/3) so với tốc độ tăng trưởng tín dụng trong 7 tháng đầu năm. Đồng thời, suốt vài tháng qua, các ngân hàng đã đồng loạt điều chỉnh tăng lãi suất huy động để đáp ứng nhu cầu tín dụng dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh hơn trong các tháng cuối năm.
Bên cạnh đó, động thái của Ngân hàng Nhà nước được đánh giá là phù hợp trong bối cảnh áp lực tỷ giá đang giảm dần.
Theo số liệu được Ngân hàng Nhà nước công bố mới đây nhất cho thấy, đến ngày 31/7, tỷ giá trung tâm ở mức 24.255 đồng/USD, tăng 1,63% so với cuối năm 2023, mức trung bình thấp và ổn định so với các đồng tiền trong khu vực và trên thế giới.
Trên thị trường tự do, tỷ giá USD cũng giảm về mức 25.630 đồng/USD, thu hẹp mức mất giá của tiền đồng xuống còn khoảng gần 3,7% so với cuối năm 2023 và so với mức mất giá lên tới 4,9% vào cuối tháng 6/2024.
Theo các chuyên gia tài chính, việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất OMO và lãi suất tín phiếu cho thấy định hướng hỗ trợ thanh khoản hệ thống ngân hàng của nhà điều hành, qua đó thiết lập một mặt bằng lãi suất liên ngân hàng thấp hơn trong thời gian tới nhằm hỗ trợ các ngân hàng thương mại đảm bảo tốt hơn nguồn vốn cung ứng ra nền kinh tế.
Mặc dù lãi suất huy động trên thị trường liên ngân hàng và tại các ngân hàng thương mại đều tăng từ tháng 7 đến nay nhưng dự báo lãi suất cho vay sẽ vẫn duy trì ở mặt bằng hiện tại nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn.
Phân tích về triển vọng lãi suất nửa cuối năm 2024, trong báo cáo chuyên đề vĩ mô tháng 8 vừa được công bố mới đây, Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) – cho biết, lãi suất huy động đã giảm đầu năm và mới phục hồi lại từ tháng 4 với mức thay đổi bình quân là 0,45 – 0,70 điểm % so với cuối quý 1. Hiện tại, lãi suất huy động kỳ hạn 9 – 12 tháng bình quân đã trở lại mức cuối năm ngoái, trong khi lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn hơn chỉ còn thấp hơn 0,15 – 0,3 điểm % so với cuối năm 2023.
Lập luận về vấn đề thanh khoản, các chuyên gia của VDSC kỳ vọng lãi suất huy động có thể tiếp tục tăng nhẹ và kết thúc năm 2024 cao hơn mức đầu năm bình quân khoảng 0,5 – 1 điểm %.
Đối với lãi suất cho vay, VDSC cho hay, thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, lãi suất cho vay bình quân giảm khoảng 0,96 điểm % trong 6 tháng năm 2024, nhanh hơn tốc độ giảm của lãi suất huy động. “Sự thay đổi từ lãi suất huy động sang lãi suất cho vay luôn có độ trễ, do đó, chúng tôi cho rằng, việc lãi suất huy động tăng trở lại có thể sẽ chưa ảnh hưởng quá nhiều đến đà giảm của lãi suất cho vay, ít nhất là cho đến cuối năm 2024” – VDSC phân tích.
Các chuyên gia của VDSC dự báo, trong kịch bản cơ sở, Ngân hàng Nhà nước có thể duy trì mặt bằng lãi suất điều hành hiện tại cho đến hết năm 2024 khi vẫn còn dư địa công cụ điều hành để can thiệp trước áp lực tỷ giá và triển vọng (gần như là chắc chắn) FED cắt giảm lãi suất bắt đầu từ tháng 9.
“Một trường hợp khó khăn hơn, nếu áp lực đối với tỷ giá tăng cường trong cuối quý 3, đầu quý 4 và điều kiện thanh khoản hệ thống trở nên eo hẹp, chúng tôi cho rằng, Ngân hàng Nhà nước sẽ nâng lãi suất điều hành thêm 25 – 50 điểm cơ bản” – chuyên gia của VDSC dự báo.