Tổng Bí thư Tô Lâm: Kiên quyết không để lọt vào cấp ủy khóa mới cán bộ suy thoái, tham nhũng
ANCOFI – Đây là một trong những chỉ đạo của Tổng Bí thư tại cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Ngày 25/3, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đã tổ chức cuộc họp nhằm thảo luận và đánh giá kết quả thực hiện các kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm kể từ sau phiên họp 27 của Ban Chỉ đạo cho đến nay.

Khởi tố, điều tra gần 1.135 vụ án về tham nhũng, kinh tế, chức vụ
Theo báo cáo, từ sau phiên họp 27, các cơ quan tố tụng trên cả nước đã khởi tố và điều tra 1.132 vụ án với 2.188 bị can, truy tố 1.201 vụ án và 2.373 bị can, trong đó có 756 vụ án với 1.672 bị cáo được đưa ra xét xử sơ thẩm, liên quan đến các tội danh tham nhũng, kinh tế và chức vụ.
Đối với các vụ án thuộc diện theo dõi, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo, trong thời gian qua đã khởi tố mới 1 vụ án, khởi tố bổ sung 25 bị can trong 7 vụ án, kết luận điều tra 3 vụ án với 76 bị can. Cũng trong thời gian này, các cơ quan tố tụng đã ban hành cáo trạng truy tố 4 vụ án với 46 bị can, và xét xử sơ thẩm 3 vụ án với 40 bị cáo. Bên cạnh đó, 3 vụ án đã được xét xử phúc thẩm với 149 bị cáo.
Về công tác xử lý các công trình, dự án có nguy cơ thất thoát, lãng phí, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương rà soát và xử lý 1.315 dự án đầu tư công, bao gồm các dự án ngoài ngân sách và dự án PPP. Một số dự án đáng chú ý như Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đang khẩn trương được xử lý, với mục tiêu hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2025.
Công tác xử lý các khó khăn, vướng mắc trong các dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP. Hồ Chí Minh và các dự án điện năng lượng tái tạo cũng đang được thúc đẩy, nhằm nhanh chóng đưa vào vận hành. Một số địa phương đã chủ động đưa các vụ việc lãng phí vào diện Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực cấp tỉnh để xử lý dứt điểm.
Đặc biệt, Cơ quan điều tra Bộ Công an và công an các địa phương đã khởi tố và điều tra một số vụ án liên quan đến lãng phí theo phương châm “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”.
Xem xét xử lý 819 đảng viên
Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã hoàn thành kiểm tra, xử lý nghiêm tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên vi phạm liên quan đến các vụ án, vụ việc xảy ra tại Công ty AIC, tập đoàn Phúc Sơn, Thuận An theo kết luận của Ban Chỉ đạo. Qua kiểm tra, đã xử lý, kiến nghị xử lý kỷ luật 381 tổ chức đảng, 819 đảng viên; trong đó có 57 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý. Riêng từ đầu năm 2025 đến nay, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xử lý kỷ luật 4 cán bộ diện Trung ương quản lý.
Thu hồi hơn 6.000 tỷ đồng cho Nhà nước
Các cơ quan chức năng đã chủ động phối hợp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định, định giá tài sản và thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng. Đối với các vụ án thuộc diện theo dõi, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo, từ sau Phiên họp 27 đến nay, các cơ quan chức năng đã hoàn thành 12 kết luận giám định, định giá. Các cơ quan thi hành án dân sự đã thu hồi được hơn 6.000 tỷ đồng, nâng tổng số tiền thu hồi từ khi thành lập Ban Chỉ đạo lên đến 102.040 tỷ đồng.
Cùng với đó, các cấp uỷ và tổ chức đảng đã chủ động lãnh đạo, chỉ đạo việc rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện thể chế của Đảng, pháp luật Nhà nước, đặc biệt là các quy định liên quan đến tổ chức và hoạt động của các cơ quan sau khi sắp xếp, tinh gọn. Các cơ quan chức năng cũng đã khắc phục những sơ hở, bất cập trong thể chế, tạo động lực mạnh mẽ cho đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế – xã hội, đồng thời nâng cao hiệu quả trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành hơn 170 văn bản liên quan đến công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và phòng, chống tham nhũng. Bên cạnh đó, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành 69 luật, pháp lệnh, và hơn 800 nghị quyết, nghị định nhằm nâng cao hiệu quả quản lý kinh tế – xã hội và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Tiếp tục xử lý tham nhũng với phương châm không có vùng cấm
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực nhấn mạnh sự cần thiết tiếp tục triển khai đồng bộ và quyết liệt các giải pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Các biện pháp phải gắn với mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm lợi ích cao nhất cho quốc gia, dân tộc, với ưu tiên thu hồi tài sản tối đa cho nhà nước. Các vụ việc cần xử lý trước bằng kinh tế, dân sự, hành chính, và cuối cùng mới là hình sự.
Thường trực Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu tập trung vào công tác sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và các đơn vị hành chính cấp địa phương, kiên quyết không để xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong quá trình này. Các cấp ủy và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải chủ động lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, tăng cường kiểm tra giám sát, tuyệt đối không để tình trạng “chạy chọt”, “lợi ích nhóm”, hay tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong công tác cán bộ, cũng như trong bố trí, sử dụng trụ sở và tài sản công. Đặc biệt, phải khắc phục tình trạng chờ đợi, trì hoãn giải quyết công việc, gây ách tắc, lãng phí thời gian, công sức của nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh tại cuộc họp rằng: “Tập trung kiểm tra, thanh tra, điều tra và xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc lãng phí, tiêu cực liên quan đến nhân sự Đại hội Đảng các cấp, đặc biệt là Đại hội lần thứ 14 của Đảng. Cần rà soát kỹ lưỡng để xác định trách nhiệm, đảm bảo không có cán bộ suy thoái, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực lọt vào cấp ủy nhiệm kỳ mới.”
Tổng Bí thư cũng yêu cầu các cơ quan chức năng thực hiện rà soát tài sản công, có phương án quản lý sử dụng tài sản hiệu quả, không để thất thoát, lãng phí, tiêu cực. Cần đẩy mạnh công tác xử lý dứt điểm các dự án, công trình chậm tiến độ và không hiệu quả, sớm đưa vào sử dụng.
Bên cạnh đó, Tổng Bí thư yêu cầu tiến hành tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong nhiệm kỳ Đại hội XIII, bổ sung phương hướng thực hiện trong nhiệm kỳ Đại hội XIV. Cần đẩy mạnh tuyên truyền theo chiều sâu, khuyến khích sự tham gia của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong công tác này, đồng thời đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái và lợi dụng công tác phòng, chống tham nhũng để chống phá Đảng, Nhà nước, đặc biệt trong bối cảnh chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV.
Tại cuộc họp, Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất đưa một số vụ án, vụ việc có dấu hiệu lãng phí vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, gồm: Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” liên quan đến sai phạm tại Dự án Tòa nhà Trung tâm điều hành và giao dịch thương mại, Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VCEM); Dự án Thủy điện Hồi Xuân, tỉnh Thanh Hóa; Dự án xây dựng trụ sở Bộ Ngoại giao và Tiểu dự án 2 (Lim – Phả Lại), thuộc dự án tuyến đường sắt Yên Viên – Phả Lại – Hạ Long – Cái Lân.
Nguyên Vũ
Theo Congthuong.vn