Thời gian bảo vệ và điều kiện gia hạn quyền sở hữu trí tuệ: Quy định pháp lý cần biết

ANCOFI Việc xác định thời gian bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ có ý nghĩa quan trọng như thế nào? Quyền sở hữu trí tuệ có những giới hạn gì? Thời gian bảo vệ được quy định ra sao? Bài viết này sẽ giúp bạn trả lời những câu hỏi đó.

Ý nghĩa của việc xác lập thời hạn bảo hộ

Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là cách thể hiện sự ghi nhận của pháp luật đối với thành quả sáng tạo, giúp tạo động lực cho sự đổi mới và cống hiến trong các hoạt động sáng tạo, nghiên cứu. Việc xác lập thời hạn và giới hạn bảo hộ có vai trò quan trọng trong việc duy trì sự công bằng và thúc đẩy sự sáng tạo.

Quyền sở hữu trí tuệ có những giới hạn gì?

Căn cứ Điều 7 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009, năm 2019 và năm 2022), quyền sở hữu trí tuệ được giới hạn như sau:

  • Chủ thể chỉ được thực hiện quyền của mình trong phạm vi và thời hạn bảo hộ theo quy định của Luật.
  • Việc thực hiện quyền sở hữu trí tuệ không được xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và không được vi phạm quy định khác của pháp luật có liên quan. Tổ chức, cá nhân thực hiện quyền liên quan đến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không được ngăn chặn, cản trở việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca.
  • Trong trường hợp nhằm đảm đảm mục tiêu quốc phòng, an ninh, dân sinh và các lợi ích khác của Nhà nước, Nhà nước có quyền cấm hoặc hạn chế chủ thể thực hiện quyền của mình hoặc buộc chủ thể quyền sở hữu trí tuệ phải cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng một hoặc một số quyền của mình với những điều kiện phù hợp; việc giới hạn quyền đối với sáng chế thuộc bí mật nhà nước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Thời gian bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ được quy định ra sao?

Thời hạn bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi năm 2009, 2019, 2022, có nội dung cụ thể như sau:

  • Đối với quyền tác giả: Căn cứ Điều 27 các tác phẩm mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm nhiếp ảnh, điện ảnh, tác phẩm khuyết danh được bảo hộ 75 năm kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu. Đối với tác phẩm chưa được công bố trong thời hạn là 25 năm kể từ khi tác phẩm được hình thành thì thời hạn bảo hộ là 100 năm. Đối với các tác phẩm thuộc loại hình khác thì được bảo hộ suốt cuộc đời tác giả và 50 năm tiếp theo năm tác giả qua đời.
  • Đối với sáng chế: Với các sáng chế cấp bằng độc quyền sáng chế theo quy định sẽ được bảo hộ từ ngày cấp bằng đến hết 20 năm tính từ ngày nộp đơn. Với các sáng chế được cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích được bảo hộ từ ngày cấp bằng sáng chế đến hết 10 năm tính từ ngày các chủ thể nộp đơn.
  • Kiểu dáng công nghiệp: Kiểu dáng công nghiệp theo quy định tại Khoản 4 Điều 93 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sẽ được bảo hộ từ ngày cấp bằng độc quyền đến hết 05 năm tính từ ngày nộp đơn và bằng độc quyền này có thể được gia hạn hiệu lực liên tiếp 2 lần, mỗi lần 05 năm. Theo đó tối đa một kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ sẽ được độc quyền trong vòng 15 năm. Sau đó kiểu dáng công nghiệp sẽ hết độc quyền và người khác có quyền sử dụng không cần sự đồng ý của chủ sở hữu.
  • Nhãn hiệu: Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có hiệu lực từ ngày cấp đến hết mười năm kể từ ngày nộp đơn. Sau thời gian này có thể gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần mười năm.
  • Chỉ dẫn địa lý: Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý theo quy định theo quy định Khoản 7 Điều 93 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sẽ có hiệu lực vô thời hạn kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý.
  • Bí mật kinh doanh: Tùy vào từng hình thức bảo hộ khác nhau mà bí mật kinh doanh sẽ có thời hạn bảo hộ khác nhau. Trong trường hợp bí mật kinh doanh được bảo hộ tự động, không cần phải đăng ký thì bí mật kinh doanh được bảo hộ vô thời hạn cho đến khi bị công khai. Đối với trường hợp bảo hộ dưới danh nghĩa sáng chế thì thời hạn bảo hộ của bí mật kinh doanh theo quy định đối với sáng chế là 20 năm.

Việc xác lập thời gian bảo vệ các giới hạn liên quan là yếu tố quan trọng trong việc duy trì sự công bằng và khuyến khích sáng tạo. Luật Sở hữu trí tuệ không chỉ đảm bảo quyền lợi cho chủ thể sáng tạo mà còn cân bằng giữa lợi ích của các tổ chức, cá nhân và lợi ích chung của xã hội. Thời gian bảo vệ đã được quy định rõ ràng đối với từng loại hình. Mặc dù có thời hạn nhất định, các điều kiện gia quyền và gia hạn được quy định để đảm bảo quyền lợi lâu dài cho các chủ thể, thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội. Từ đó, việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ không chỉ là sự thừa nhận công sức của những sáng tạo mà còn là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng nền kinh tế sáng tạo và hội nhập toàn cầu.

Tổng hợp | Kim Ngân

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin liên quan