Sửa Hiến pháp sẽ tiến hành lấy ý kiến nhân dân
ANCOFI – Chủ tịch Quốc hội cho biết, theo quy định, việc sửa Hiến pháp sẽ phải tiến hành lấy ý kiến nhân dân. Dự kiến, thời gian lấy ý kiến diễn ra trong tháng 5, 6.
Sáng 24/3, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội, Bí thư Đảng uỷ Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ban Thường vụ Đảng ủy Quốc hội đã tổ chức phiên họp nhằm thảo luận, cho ý kiến đối với dự thảo Đề án rà soát, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp và hệ thống pháp luật, phục vụ công tác sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị. Cũng tại cuộc họp, các thành viên đã xem xét dự thảo báo cáo về công tác hoàn thiện thể chế, nhằm đáp ứng yêu cầu tổ chức lại bộ máy chính trị theo hướng tinh gọn, hiệu quả.

Ngày 24/3, Đảng ủy Quốc hội tổ chức phiên họp lần thứ hai để tiếp tục thảo luận về việc rà soát, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp và pháp luật, sau cuộc họp đầu tiên diễn ra vào ngày 17/3/2025. Cuộc họp do Chủ tịch Quốc hội, Bí thư Đảng ủy Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì.
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, đây là hoạt động nhằm triển khai Kết luận số 129-KL/TW ngày 10/3/2025 của Bộ Chính trị về chủ trương điều chỉnh một số điều trong Hiến pháp năm 2013. Theo đó, Ban Thường vụ Đảng uỷ Quốc hội tiến hành xem xét và cho ý kiến đối với hai nội dung trọng tâm.
Cụ thể: Dự thảo Đề án rà soát, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước phục vụ việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và Dự thảo báo cáo về công tác hoàn thiện thể chế phục vụ việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo yêu cầu tại văn bản số 13712-CV/VPTW ngày 10/3/2025 của Văn phòng Trung ương Đảng.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, tiến độ thực hiện đang rất gấp, theo yêu cầu từ Bộ Chính trị. Đây là nhiệm vụ quan trọng, khối lượng lớn, liên quan đến nhiều cơ quan và gắn với định hướng tinh gọn, nâng cao hiệu quả bộ máy hệ thống chính trị. Do vậy, quá trình thực hiện phải đảm bảo tính khách quan, khoa học, dân chủ, hiệu quả và cụ thể, tuân thủ quy trình nghiêm ngặt, chất lượng và có tính đột phá trong tư duy.
Về mặt cơ chế, ông nhấn mạnh cần huy động sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và đặc biệt là ý kiến của nhân dân. Theo quy định, việc sửa đổi Hiến pháp phải tổ chức lấy ý kiến nhân dân. Dự kiến, hoạt động lấy ý kiến sẽ được triển khai trong tháng 5 và tháng 6, với thời gian tổng hợp ý kiến là 5 ngày.
Chủ tịch Quốc hội cũng bày tỏ sự quan tâm sâu sắc của Ban Thường vụ Đảng uỷ Quốc hội đối với nội dung này. Ông cho biết, chỉ trong vòng 6 ngày sau phiên họp đầu tiên, Ban Thường vụ đã tổ chức phiên họp thứ hai, thể hiện tinh thần làm việc khẩn trương. “Không đặt nặng số lần họp, mà chúng ta sẽ làm việc liên tục đến khi nào các nội dung chín muồi, rõ ràng để tổng hợp báo cáo”, ông nói, đồng thời cho biết nhiều cơ quan cấp cao như Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các ban Đảng, Mặt trận Tổ quốc và Viện Kiểm sát nhân dân cũng đang tích cực tổ chức họp liên quan đến nội dung này.
Thông tin thêm về tiến độ công việc, Chủ tịch Quốc hội cho biết, thời gian qua, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đã chủ trì phối hợp thực hiện các công việc chuẩn bị rất gấp rút. Dự thảo Đề án hiện tập trung vào 6 nhóm vấn đề, đã rà soát 58 văn bản của Đảng, 12 điều của Hiến pháp 2013 và 421 văn bản pháp luật. Dự thảo bao gồm 9 loại tài liệu và báo cáo kèm 3 phụ lục, nêu rõ các phương án đề xuất.
Đến thời điểm hiện tại, dự thảo được đánh giá là công phu, bài bản, phản ánh trách nhiệm cao và sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan liên quan. 16 cơ quan, tổ chức đã gửi lại ý kiến, trong đó đều thống nhất với nội dung chính của Đề án. Việc tiếp thu, giải trình bước đầu được đánh giá là kỹ lưỡng, có thể yên tâm hơn về chất lượng báo cáo.
Quỳnh Nga
Theo Congthuong.vn