PGS.TS Trần Đình Thiên: Giữ nhịp tăng trưởng, không thể thiếu nguồn điện ổn định

ANCOFI – Trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều kỳ vọng và mục tiêu mang tính đột phá, việc bảo đảm nguồn điện ổn định, sạch và đủ cho sản xuất và tiêu dùng không chỉ là bài toán kỹ thuật mà còn là một trong những lựa chọn chiến lược của quốc gia hiện nay.

PGS.TS Trần Đình Thiên: “Không thể đòi hỏi giá điện thấp mà lại mong có nhiều điện, lại còn là điện sạch, đủ và hiện đại để phục vụ cho một nền kinh tế tăng trưởng cao”

Bảo đảm đầy đủ và ổn định các nguồn lực phát triển, đặc biệt là năng lượng trở thành điều kiện tiên quyết

Kinh tế thế giới đang chuyển mình mạnh mẽ theo hướng công nghệ cao và phát triển bền vững. Trước làn sóng này, Việt Nam xác định cần thay đổi mô hình tăng trưởng, chuyển trọng tâm sang nền kinh tế tri thức, sáng tạo và xanh hóa.

Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị đặt ra mục tiêu chiến lược đến năm 2030 và tầm nhìn 2045, nhấn mạnh khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực then chốt trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Song hành với định hướng đó, Chính phủ đặt kỳ vọng GDP năm 2025 đạt mức tăng trưởng từ 8% trở lên – một con số đầy tham vọng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn.

Để đạt được những mục tiêu này, đảm bảo nguồn lực – đặc biệt là năng lượng – được xem là yếu tố sống còn. Bởi không có điện ổn định, mọi chiến lược công nghiệp hóa, chuyển đổi số hay phát triển hạ tầng quy mô lớn sẽ khó có thể triển khai hiệu quả.

PGS.TS Trần Đình Thiên: Muốn có điện sạch, đủ và hiện đại – phải chấp nhận mặt bằng giá điện mới

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, trong bối cảnh Việt Nam hướng tới phát triển dựa trên công nghệ cao, công nghiệp số và đổi mới sáng tạo, nhu cầu điện không chỉ tăng mà còn tăng đột biến. Những quyết định cấp tốc như triển khai đường dây 500kV hay sửa đổi Quy hoạch Điện VIII ngay sau khi ban hành đã cho thấy sức ép ngày càng lớn về đảm bảo nguồn điện.

Ông nhấn mạnh, để đáp ứng yêu cầu phát triển, Việt Nam cần huy động hiệu quả cả khu vực nhà nước và tư nhân đầu tư cho ngành điện, đặc biệt là năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời. 

Hiện tại, giá điện tại Việt Nam vẫn đang ở mức thấp so với khu vực và thế giới – từng là lợi thế nhưng nay lại là rào cản lớn trong phát triển năng lượng bền vững. Ông cảnh báo: “Không thể giữ giá điện thấp mà vẫn kỳ vọng có nguồn điện sạch, đủ và hiện đại cho một nền kinh tế tăng trưởng cao.”

Thực tế cho thấy nhiều dự án điện tái tạo đang bị đình trệ vì cơ chế giá chưa hợp lý, khiến nhà đầu tư mất niềm tin. Trong khi đó, điện sạch đặt ra bài toán chi phí lớn, đòi hỏi đầu tư ban đầu cao, công nghệ tích trữ và hệ thống dự phòng. Đồng thời, điện nền – vốn giữ vai trò ổn định hệ thống – cũng cần được phát triển song song, trên một mặt bằng giá đủ hấp dẫn để thu hút đầu tư dài hạn.

Đường dây 500kV mạch 3 đoạn vượt sông Lam

Điều chỉnh giá điện vừa là yêu cầu mang tính chiến lược vừa là nhiệm vụ cấp bách, nếu không kịp thời chúng ta sẽ ‘vỡ trận’

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, giá điện thấp không chỉ gây áp lực lên hệ thống cung ứng mà còn dẫn đến hệ quả tiêu cực trong hiệu quả sử dụng năng lượng. Ông cho rằng, nhiều doanh nghiệp hiện nay thiếu động lực đầu tư vào công nghệ tiết kiệm năng lượng, khiến việc tiêu thụ điện kém hiệu quả, đi ngược lại mục tiêu chuyển đổi xanh và nâng cao năng suất nền kinh tế.

Giá điện hợp lý hơn, theo ông, sẽ buộc doanh nghiệp phải thay đổi tư duy công nghệ, hướng tới mô hình vận hành hiệu quả và bền vững hơn. Do đó, điều chỉnh giá điện không chỉ là một biện pháp kỹ thuật mà còn là chiến lược dài hạn để bảo đảm phát triển kinh tế ổn định, hiện đại và xanh hóa.

Đặc biệt trong ngắn hạn, việc tính đúng, tính đủ giá điện là nhiệm vụ cấp bách để tránh nguy cơ thiếu điện – một rủi ro có thể làm đứt gãy chuỗi tăng trưởng và hiện đại hóa. Ông nhấn mạnh: “Nếu không thay đổi kịp thời, chúng ta sẽ vỡ trận. Nhưng nếu có lộ trình phù hợp và sự chuẩn bị kỹ lưỡng về truyền thông và chính sách hỗ trợ, thì việc điều chỉnh giá là hoàn toàn khả thi và cần thiết.”

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều mục tiêu đột phá, bảo đảm đủ điện – sạch, hiện đại và bền vững – chính là một lựa chọn mang tính chiến lược quốc gia.

Anh Thơ

Theo xaydungchinhsach.chinhphu.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin liên quan