Ngày Thế giới tôn vinh những người Hiến máu 14/6: Giọt hồng trao gửi thương yêu
ANCOFI – Ngày 14/6 hàng năm là Ngày Hiến máu Thế giới (hay còn gọi là Ngày Thế giới Tôn vinh những Người Hiến máu) nêu bật tầm quan trọng của nghĩa cử hiến máu cao đẹp. Máu là món quà quý giá nhất mà bất cứ ai cũng có thể trao cho người khác – đây là món quà của sự sống.
Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh cùng đại diện các đơn vị tham gia hiến máu, góp phần cứu chữa cho nhiều người bệnh |
Lịch sử Ngày Hiến máu Thế giới (14/6)
Năm 2004, lần đầu tiên Tổ chức Y tế Thế giới nêu bật tầm quan trọng của việc hiến máu bằng ý tưởng có riêng một ngày để tôn vinh những người hiến máu.
Vào năm 2005, tại Đại hội đồng Y tế Thế giới lần thứ 58, Ngày Hiến máu Thế giới (hay Ngày Thế giới Tôn vinh những Người Hiến máu) ra đời và trở thành sự kiện thường niên toàn cầu.
Lịch sử hiến máu có từ xa xưa. Trong lịch sử, bác sĩ người Anh Richard Lower được nhớ đến nhiều nhất với công trình tiên phong về truyền máu và chức năng của hệ thống tim phổi, mà ông đã mô tả trong cuốn sách ‘Tractatus de Corde’.
Vị bác sĩ này là người đầu tiên thử nghiệm khoa học hiến máu với động vật. Ông đã thành công trong việc truyền máu cho động vật (truyền máu từ chú chó này sang chú chó khác mà các chú chó này không gặp phải tác dung phụ đáng kể nào).
Năm 1930, nhà miễn dịch học người Mỹ gốc Áo Karl Landsteiner được trao giải Nobel Y học cho những công trình nghiên cứu về nhóm máu và phát triển hệ thống truyền máu hiện đại.
Để tôn vinh nhà khoa học đã phát triển nên hệ thống truyền máu hiện đại giúp cứu mạng hàng triệu người trên thế giới, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã quyết định chọn ngày 14/6 – ngày sinh của bác sĩ Karl Landsteiner làm Ngày Hiến máu Thế giới.
Kể từ đó, Ngày Hiến máu Thế giới (14/6), hay còn gọi là Ngày Thế giới Tôn vinh những Người hiến máu góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của hiến máu và tôn vinh nghĩa cử cao đẹp này.
Ý nghĩa của việc hiến máu
Hiến máu không chỉ góp phần cứu sống hàng nghìn sinh mạng đang nguy kịch mà còn giúp cứu sống nhiều người mắc các bệnh khác nhau.
Hiến máu không khiến bạn bị thiếu hụt máu. Sau khi hiến máu, lượng máu (huyết tương) của bạn sẽ hồi phục trở lại trong vòng 24-48 giờ. Cơ thể bạn sẽ sản sinh đầy đủ tế bào hồng cầu sau 3-4 tuần ở người trưởng thành khỏe mạnh.
Những lợi ích đối với sức khỏe khi hiến máu
Hiến máu là hành động nhân văn và mang lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe không chỉ đối với người được truyền máu mà cả người hiến máu.
Truyền máu (dùng máu của người hiến) đóng vai trò sống còn trong các trường hợp chẳng hạn như cấp cứu, phẫu thuật hoặc điều trị ung thư,… Ngoài lợi ích “cứu mạng” đối với người bệnh, hành động hiến máu còn mang lại những lợi ích sức khỏe không ngờ ngay cả đối với những người trao đi những giọt máu của mình.
Hiến máu thường xuyên giúp duy trì lượng sắt khỏe mạnh trong cơ thể, giảm nguy cơ mắc các bệnh như hemochromatosis – bảo vệ cơ thể chống lại các bệnh tim mạch và giảm thiểu nguy cơ đau tim.
Đăng ký hiến máu có thể giúp bạn phát hiện sớm một số tình trạng sức khỏe chẳng hạn như thiếu máu hoặc các bệnh truyền nhiễm. Tại sao? Vì trước khi có thể hiến máu, bạn sẽ được xét nghiệm máu để sàng lọc các bệnh dễ lây qua đường máu trước. Nếu máu của bạn an toàn, thì nhân viên y tế mới tiến hành lấy máu để đưa vào ngân hàng máu.
Sau khi hiến máu, cơ thể sẽ tạo ra các tế bào mới để tăng cường sức khỏe tổng thể và thay thế lượng máu hao hụt trong vòng 48 giờ sau khi hiến.
Một số người hiến máu thường xuyên thậm chí còn sống lâu hơn. Hiến máu còn giúp giảm cân, duy trì gan khỏe mạnh, giảm nguy cơ ung thư.
(Theo QLTT)