Những năm qua, các huyện miền núi Quảng Nam đều đặn tổ chức tuyển dụng giáo viên và liên tục tìm giáo viên hợp đồng nhưng vẫn chưa thể lấp đầy lượng giáo viên thiếu hụt.
Tương tự, qua thống kê, tỉnh Quảng Ngãi sẽ thiếu khoảng 900 giáo viên cho năm học mới 2024 – 2025 và cũng chủ yếu là thiếu giáo viên tại các huyện miền núi, các xã ven biển. Tại địa phương này, tình trạng thiếu giáo viên miền núi còn một phần lý do là giáo viên công tác tại huyện miền núi vài năm lại xin chuyển về đồng bằng.
Tình trạng thiếu giáo viên chủ yếu diễn ra tại các huyện miền núi, miền biển, vùng khó khăn |
Năm học 2024 – 2025, tỉnh Quảng Bình có 246.000 học sinh. Tổng giáo viên biên chế năm 2024 của tỉnh là 13.177 người, hiện còn thiếu 1.311 biên chế. Trước mắt, tỉnh đã bổ sung 914 chỉ tiêu giáo viên học đồng, nhưng như vậy vẫn còn thiếu gần 400 giáo viên, chủ yếu là giáo viên mầm non, phổ thông công lập. Nhiều trường không tuyển được giáo viên gây khó khăn trong bố trí giảng dạy, tập trung vào các môn Tiếng Anh, Tin học, Công nghệ ở cấp tiểu học; và Mỹ thuật ở cấp Trung học phổ thông.
Riêng tỉnh Quảng Trị lại ở tình trạng khối mầm non, tiểu học thiếu giáo viên, còn khối trung học cơ sở lại thừa giáo viên. Hiện, tỉnh này đang thiếu 351 giáo viên, nhân viên, cán bộ quản lý.
Nên chăng có chính sách đặc thù khuyến khích trong thi tuyển biên chế giáo viên đối với người địa phương miền núi?
Vấn đề thiếu giáo viên tại khu vực miền Trung đã diễn ra trong nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra được giải pháp căn cơ.
Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, nhiều địa phương tích cực bổ sung giáo viên hợp đồng, khuyến khích các trường phân công giáo viên dạy liên trường, điều động giáo viên từ trường thừa về trường thiếu. Nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời, chưa kể, việc điều động giáo viên dạy liên trường hoặc từ trường thừa về trường thiếu gặp nhiều khó khăn khi các huyện miền núi địa bàn rất rộng, nhiều trường mầm non, tiểu học ở vùng sâu, vùng xa. Còn việc sử dụng giáo viên hợp đồng chỉ là giải pháp tình thế, vì giáo viên hợp đồng không mang tính lâu dài, khó gắn bó.
Nên chăng có chính sách đặc thù hỗ trợ, khuyến khích trong thi tuyển biên chế giáo viên cho người địa phương các huyện miền núi |
Đáng nói, phần nhiều các em học sinh miền núi thi đậu các trường đại học là thuộc ngành Sư phạm. Đơn cử như tại tỉnh Quảng Nam, mỗi năm có khoảng 60% học sinh miền núi tại tỉnh thi đậu đại học chọn ngành Sư phạm. Nhưng khi ra trường, các em không được xét tuyển mà thi tuyển. Việc thi tuyển cạnh tranh khó khăn, vì vậy, nhiều sinh viên miền núi ra trường phải làm trái ngành, trong khi khu vực miền núi lại rất thiếu giáo viên tại chỗ, dẫn đến thực trạng: Sinh viên sư phạm ra trường không có việc, trong khi ngành giáo dục luôn kêu thiếu giáo viên.
Theo ông Thái Viết Tường – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam, để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên cần tập trung đào tạo, bồi dưỡng và tuyển dụng nguồn nhân lực tại chỗ. Việc thi tuyển đối với nguồn nhân lực tại chỗ sẽ tăng dần giáo viên là người địa phương, cũng sẽ giảm được tình trạng luân chuyển giáo viên giữa khu vực đồng bằng và miền núi.
Đặc thù địa hình khu vực miền Trung nhiều đồi núi, kinh tế còn chưa thực sự phát triển. Nhất là tại các huyện miền núi đối với khối mầm non, tiểu học, việc di chuyển giữa một điểm trường lẻ đến một điểm trường chính khác tại một xã miền núi có thể lên hơn hàng chục km. Ở khu vực vùng sâu vùng xa, giáo viên phải di chuyển đi bộ gần như cả ngày, băng rừng, lội suối.
Vì vậy, nên chăng cần có những chính sách khuyến khích đặc thù trong thi tuyển biên chế giáo viên dành cho các sinh viên, giáo viên là người đồng bào dân tộc thiểu số, người địa phương tại các huyện miền núi để tạo sự khích lệ cho các học sinh miền núi học tập, trở về địa phương làm việc; từng bước có lời giải cho bài toán thiếu giáo viễn mỗi khi bắt đầu năm học mới.