Với lợi thế sở hữu một hệ thống đường sắt dài hơn 3.000km đi qua 34 tỉnh, thành phố trong đó có nhiều cung đường đẹp để du khách có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Việt Nam qua ô cửa tàu, với nhiều nhà ga nằm tại các trọng điểm du lịch quốc gia. Nhờ lợi thế riêng có này, tuyến đường sắt Bắc – Nam của Việt Nam đã được tạp chí du lịch nổi tiếng thế giới Lonely Planet bình chọn đứng đầu danh sách 8 hành trình du lịch tàu hỏa đáng trải nghiệm nhất thế giới (năm 2018); ngoài ra, Hãng tin Sputnik (Nga) cũng bầu chọn là một trong 10 tuyến đường sắt đẹp nhất thế giới (năm 2019).
Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam – Nguyễn Trùng Khánh đánh giá, đường sắt Việt Nam với vai trò không chỉ là phương tiện vận chuyển an toàn, tiện lợi mà còn góp phần tạo nên những trải nghiệm du lịch độc đáo và khó quên cho du khách, cùng kết hợp tạo thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn khách du lịch – du lịch đường sắt, gắn kết các điểm đến và tạo ra những sản phẩm du lịch liên tuyến, liên vùng hấp dẫn, đa dạng.
Theo đó, ngành đường sắt có thể tham gia phát triển du lịch với vai trò là phương thức vận tải phục vụ khách du lịch hoặc trở thành những sản phẩm du lịch đặc biệt. Vì vậy, hôm qua (9/7), nhằm khai thác thế mạnh của ngành đường sắt trong phát triển du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã “bắt tay” ký kết kết Biên bản ghi nhớ hợp tác, đây là một bước đi chiến lược, nhằm thắt chặt sự hợp tác giữa hai ngành du lịch và đường sắt trong sự phát triển của đất nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao hiệu quả kinh doanh dịch vụ, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân và du khách.
Tại sự kiện, ông Nguyễn Trùng Khánh kỳ vọng, sự hợp tác chặt chẽ này, chúng ta sẽ khai thác hiệu quả tiềm năng to lớn của hệ thống đường sắt, không chỉ giúp gia tăng lượng khách du lịch mà còn nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo ra những sản phẩm, dịch vụ du lịch mới mẻ và hấp dẫn kết hợp với hệ thống vận tải đường sắt dọc theo chiều dài đất nước.
Ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty đường sắt Việt Nam cũng phấn khởi chia sẻ mong muốn biến hành trình đi tàu của hành khách là một trải nghiệm, là một phần của chuyến du lịch, thành phố trong đó có nhiều cung đường đẹp để du khách có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Việt Nam qua ô cửa tàu, với nhiều nhà ga nằm tại các trọng điểm du lịch quốc gia.
Với sự quyết tâm và cái bắt tay của hai ngành, chúng ta cũng mong rằng du lịch đường sắt ở Việt Nam dù “nở muộn” với bộn bề khó khăn, song sẽ có sự bứt phá ngoạn mực để những con tàu luôn “đi suốt bốn mùa vui” mang tới cho du khách những trải nghiệm khó quên trên hành trình khám phá các vùng miền trên dải đất hình chữ S!