Ở Hoài Đức, mức giá sau cùng được xác định ở con số trên dưới 130 triệu đồng cho một mét vuông, không chỉ cao chưa từng thấy trong vòng 2 năm trở lại đây mà còn bị xem là mức giá “không tưởng” và vượt xa mức hiện tại của thị trường ở ngay chính địa phương này. Chưa kể đến những bất thường về phương cách tổ chức, việc đẩy mức giá này có thể mở đầu cho những việc tạo sóng “ảo” giá thị trường, một điều không mấy hay ho cho thị trường bất động sản từng dai dẳng suốt nhiều năm qua tại nhiều địa phương.
Điều tương tự cũng diễn ra ở huyện Thanh Oai khi giá đất trúng đấu giá cũng vượt quá giá trị thực tại địa phương.
Không loại trừ một kịch bản xảy ra là có thể có những cá nhân chấp nhận “hy sinh” cả tiền đặt cọc để tạo sóng ảo về giá đất cốt nhằm trục lợi về sau. Một lần nữa “căn bệnh mãn tính” của thị trường bất động sản không những không thuyên giảm mà lại còn tiếp tục phát tác, phủ bóng lên thị trường bất động sản vừa chớm có dấu hiệu khởi sắc.
Có hai thứ tâm lý mà cũng có thể coi như căn bệnh trầm kha của thị trường bất động sản Việt Nam cứ dai dẳng đi cùng thị trường. Tâm lý thứ nhất rằng, đây luôn là thị trường của những người thắng cuộc, không những thắng đậm mà còn thắng to. Thực là phi lý bởi nếu có nhiều người thắng thì đương nhiên cũng có người thua, mà cũng là thua nặng.
Tâm lý thứ hai là tâm lý sợ những điều hay vào tay người khác (FOMO) không những được làm nền từ tâm lý thứ nhất mà còn được người ta tận dụng triệt để hòng tiếp tục thao túng những người khác trong cuộc, và xa hơn là khiến cho dòng tiền tiếp tục bị chôn vùi trong những khu đất vượt xa giá trị thực của nó thay vì hướng tới những xu hướng đầu tư khác thiết thực hơn cho nền kinh tế.
Lý giải cho hiện tượng trên, nhiều chuyên gia cho rằng, người ta đang tận dụng khoảng thời gian khi thị trường bất động sản đang tranh tối tranh sáng trước khi có các văn bản hướng dẫn cụ thể liên quan đến các luật về đất đai, nhà ở và kinh doanh bất động sản vừa có hiệu lực từ ngày 1/8/2024. Cùng đó, do việc phân lô bị cấm tại các đô thị lớn, các khu trung tâm, khiến giới đầu tư phải dạt ra các khu ngoại vi mang nặng tâm lý đã “mất công mua mâm” thì “đâm cho thủng” bằng việc cố tình tạo sóng giá ảo.
Cũng có một số chuyên gia lý giải, hiện tượng giá đất “phi thường” tại một số huyện ngoại thành Hà Nội nói riêng và một số địa phương khác nói chung chỉ mang tính cục bộ. Nhưng xét trong bối cảnh các cơ quan nhà nước đang nỗ lực quản lý thị trường bất động sản theo hướng lành mạnh hơn, chính quy hơn cũng như thực chất hơn thì những diễn biến như thế là không thể xem thường. Tới đây đặc biệt cần mạnh dạn xiết các chế tài xử lý, kể cả chế tài hình sự bởi không thể để những nỗ lực bình ổn và làm lành mạnh thị trường bất động sản lâu nay bị phá hoại bởi một bộ phận các cá nhân cố tình biến các cuộc đấu giá đất thành một cuộc chơi tuỳ thích.
Cũng sẽ là rất cần thiết nếu như các cơ quan chức năng có các động thái sàng lọc kỹ nhà đầu tư tham gia ngay từ đầu để giảm bớt tình trạng thị trường bất động sản, đặc biệt là phân khúc đất nền bị nhiễu loạn bởi các phiên đấu giá đất với mức giá quá ảo hoặc phải dừng, thậm chí hủy các phiên đấu giá đã lên kế hoạch trong thời gian tới.
Bởi thế đấu giá đất nói riêng và thị trường bất động sản nói chung không phải và không thể là chỗ cho những cuộc chơi tuỳ thích, đúng như tinh thần Công điện 82: “Các cơ quan chức năng chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường nắm bắt tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật trong việc đấu giá quyền sử dụng đất, nhất là các hành vi cấu kết thao túng thị trường, thổi giá để tạo ra thị trường không lành mạnh, không đúng thực tế để trục lợi”.