Khi hàng kém chất lượng được ‘tô vẽ’ trên sàn
ANCOFI – Các sản phẩm kém chất lượng được “tô vẽ” bằng những lời quảng cáo hoa mỹ trên sàn thương mại điện tử gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.
Hàng kém chất lượng đội lốt online: Cần sự chủ động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp, mà còn yêu cầu sự chủ động từ chính người tiêu dùng. Trong bối cảnh nền kinh tế số hóa, thông tin minh bạch trở thành yếu tố quan trọng giúp người tiêu dùng đưa ra quyết định sáng suốt, tránh được những rủi ro từ quảng cáo sai lệch và sản phẩm kém chất lượng.

Chia sẻ về rủi ro tiềm ẩn trong thương mại điện tử: hàng giả, hàng nhái và quảng cáo sai lệch
Tại tọa đàm “Thông tin minh bạch – Tiêu dùng trách nhiệm” do Báo Công Thương tổ chức gần đây, ông Hồ Tùng Bách, Phó Trưởng phòng Người tiêu dùng, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, cho biết sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử mang lại nhiều tiện lợi nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ khi thông tin sản phẩm không được kiểm chứng đầy đủ.
“Thương mại điện tử tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng là môi trường dễ xảy ra hành vi lừa đảo, vi phạm quyền lợi người tiêu dùng. Một số doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng kẽ hở để cung cấp thông tin sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc thậm chí đánh cắp thông tin cá nhân” – ông Bách chia sẻ.
Đại diện. Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cũng nêu ra những rủi ro phổ biến mà người tiêu dùng có thể gặp phải khi mua sắm online, bao gồm việc mua phải hàng giả, hàng nhái. Nhiều doanh nghiệp lợi dụng sự thiếu minh bạch của các nền tảng thương mại điện tử để bán các sản phẩm kém chất lượng, gây thiệt hại trực tiếp cho người tiêu dùng.
Ngoài ra, một vấn đề khác là một số nhà bán hàng quảng cáo sản phẩm với công dụng sai lệch, gây nhầm lẫn và làm giảm niềm tin của người tiêu dùng. Gian lận về giá cả và khuyến mãi cũng là vấn đề không hiếm gặp. Trong nhiều trường hợp, giá sản phẩm bị “thổi phồng”, sau đó giảm sâu để thu hút khách hàng, nhưng thực tế không mang lại lợi ích thực sự cho người tiêu dùng.
“Đáng chú ý, khi mua sắm trực tuyến, người tiêu dùng dễ bị lộ thông tin cá nhân nếu nền tảng không đảm bảo bảo mật” – ông Bách cho hay.

Thực tế thời gian qua cũng cho thấy, có nhiều vụ việc người tiêu dùng bị lừa bởi các sản phẩm kém chất lượng, hàng giả trên các sàn thương mại điện tử. Bên cạnh đó, một vấn đề nổi cộm khác là vai trò của người có ảnh hưởng (KOL, KOC) trong quảng bá sản phẩm. Bởi những năm gần đây, nhiều người nổi tiếng tham gia giới thiệu, đánh giá sản phẩm nhưng không kiểm chứng rõ ràng, dẫn đến việc người tiêu dùng bị lừa bởi thông tin sai lệch.
Ông Vũ Văn Trung – Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam – cho rằng: “Cần có quy định chặt chẽ đối với người có ảnh hưởng khi quảng cáo. Không thể để họ quảng bá sản phẩm sai sự thật rồi chỉ cần xin lỗi như thời gian qua là xong”.
Những nguy cơ này đặt ra yêu cầu cấp bách về việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng một cách hiệu quả hơn trên môi trường số. Và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 đã được sửa đổi để tăng cường quản lý các giao dịch trên thương mại điện tử. Ông Bách nhấn mạnh: “Luật mới quy định rõ trách nhiệm của các sàn thương mại điện tử trong việc kiểm soát nhà bán hàng và thông tin sản phẩm. Ngoài ra, chế tài xử phạt cũng đã được siết chặt nhằm bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn”.
Cụ thể, những điểm mới trong luật thương mại điện tử bao gồm việc bắt buộc các sàn thương mại điện tử phải chịu trách nhiệm liên đới nếu để xảy ra hành vi gian lận, bán hàng giả, hoặc cung cấp thông tin sai lệch. Bên cạnh đó, luật cũng siết chặt quảng cáo trực tuyến, đặc biệt là đối với các sản phẩm liên quan đến sức khỏe và thực phẩm chức năng, nhằm đảm bảo tính minh bạch và độ tin cậy. Một điểm quan trọng khác là việc bảo vệ thông tin cá nhân, ngăn chặn tình trạng thu thập và mua bán dữ liệu người tiêu dùng trái phép. Đồng thời, mức phạt đối với hành vi vi phạm sẽ được tăng lên, đặc biệt đối với các trường hợp cung cấp thông tin không minh bạch, nhằm nâng cao hiệu quả xử lý vi phạm và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
“Những quy định này được kỳ vọng sẽ tạo ra hành lang pháp lý chặt chẽ, giúp thương mại điện tử phát triển bền vững và an toàn hơn” – ông Bách khẳng định.

Minh bạch là yếu tố “sống còn”
Không chỉ có cơ quan quản lý, các doanh nghiệp cũng cần chủ động nâng cao trách nhiệm trong việc bảo vệ người tiêu dùng. PGS.TS Trương Tuyết Mai – Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, nhấn mạnh: “Trong lĩnh vực thực phẩm, thông tin minh bạch là yếu tố sống còn. Doanh nghiệp cần công bố rõ ràng thành phần, xuất xứ, chất lượng sản phẩm để người tiêu dùng có quyết định chính xác”.
Hiện nhiều doanh nghiệp hiện đã áp dụng các công nghệ minh bạch thông tin như: Truy xuất nguồn gốc qua mã QR, giúp người tiêu dùng kiểm tra xuất xứ, hạn sử dụng. Niêm yết rõ ràng thành phần, công dụng sản phẩm, tránh gây hiểu lầm hoặc quảng cáo sai sự thật. Cung cấp chính sách đổi trả minh bạch, giúp khách hàng yên tâm mua sắm trực tuyến.
Tuy nhiên, vẫn còn không ít doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm túc, dẫn đến việc người tiêu dùng chịu nhiều thiệt hại.
Theo các chuyên gia, ngoài sự quản lý của nhà nước và trách nhiệm của doanh nghiệp, người tiêu dùng cũng cần nâng cao nhận thức và cẩn trọng hơn khi mua sắm trực tuyến. Ông Trung, khuyến nghị: “Trước khi mua hàng, người tiêu dùng cần kiểm tra kỹ thông tin sản phẩm, đánh giá của người mua trước, tránh các chương trình khuyến mãi không minh bạch và chọn những sàn uy tín”.

PGS.TS Trương Tuyết Mai nhấn mạnh, một hệ sinh thái thương mại điện tử minh bạch không chỉ giúp bảo vệ người tiêu dùng mà còn tạo ra sự cạnh tranh công bằng, giúp các doanh nghiệp làm ăn chân chính phát triển bền vững.
“Với những nỗ lực từ cơ quan quản lý, tổ chức bảo vệ người tiêu dùng và cộng đồng doanh nghiệp, hy vọng rằng trong tương lai, người tiêu dùng Việt Nam sẽ có một môi trường mua sắm minh bạch và an toàn hơn” – PGS.TS Trương Tuyết Mai kỳ vọng, đồng thời bà khuyến nghị: “Người tiêu dùng cũng cần chủ động nâng cao kiến thức, tìm hiểu kỹ thông tin sản phẩm, lựa chọn nhà cung cấp uy tín. Chỉ khi tất cả các bên cùng hành động, chúng ta mới có một thị trường tiêu dùng bền vững”.
Trong bối cảnh mua sắm trực tuyến phát triển mạnh mẽ, người tiêu dùng cần chủ động nâng cao hiểu biết về an toàn thông tin mạng và an ninh mạng để bảo vệ quyền lợi của mình. Việc hiểu biết về các nguy cơ tiềm ẩn trong môi trường trực tuyến giúp người tiêu dùng tránh được các rủi ro không đáng có.
Ngân Thương
Theo Congthuong.vn