Johnson & Johnson đồng ý chi 700 triệu USD dàn xếp vụ kiện phấn rôm chứa chất gây ung thư

ANCOFI – Ngày 11/6, Tổng chưởng lý bang New York của Mỹ, bà Letitia James cho biết công ty dược phẩm và mỹ phẩm Johnson & Johnson (J&J) đã đồng ý trả 700 triệu USD để dàn xếp các cáo buộc lừa dối khách hàng về độ an toàn của những sản phẩm chứa bột talc.

Chú thích ảnh

Sản phẩm phấn rôm của hãng dược phẩm Johnson & Johnson được bày bán tại một siêu thị ở California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong các thỏa thuận dàn xếp với 42 bang và thủ đô Washington, J&J không thừa nhận sai sót dù đã đồng ý rút sản phẩm này khỏi thị trường Bắc Mỹ từ năm 2020.

Phó chủ tịch phụ trách pháp lý toàn cầu của J&J, ông Erik Haas cho biết công ty đang tiếp tục theo đuổi quá trình nhằm đạt được giải pháp toàn diện và cuối cùng cho vụ kiện về bột talc.

Tháng 4/2023, đại diện cơ quan tư pháp của các địa phương trên đã đề xuất một thỏa thuận trị giá 8,9 tỷ USD nhằm giải quyết một cách công bằng và hiệu quả tất cả các khiếu nại phát sinh từ các vụ kiện về bột talc trong phấn rôm của J&J. Tuy nhiên, một thẩm phán đã bác bỏ đề xuất này.

Theo TTXVN, kể từ năm 2013, J&J đối mặt với hàng nghìn vụ kiện, trong đó các nguyên đơn cho biết đã mắc phải bệnh ung thư sau thời gian sử dụng một số sản phẩm của hãng này. Phần lớn các nguyên đơn là phụ nữ bị ung thư buồng trứng, một số người bị ung thư trung biểu mô – căn bệnh chết người có liên quan đến việc phơi nhiễm chất amiăng. J&J khẳng định phấn rôm trẻ em và các sản phẩm chứa bột talc khác của hãng an toàn, không chứa amiăng và không gây ung thư. Tuy nhiên vào tháng 1/2020, công ty có trụ sở tại New Jersey đã chấp nhận giải quyết về nguyên tắc để dàn xếp vụ việc. Tuy nhiên, J&J sử dụng chiến lược chuyển số tiền phải trả cho hàng chục nghìn nguyên đơn trong vòng 25 năm liên quan phấn rôm sang một công ty con mới mang tên LTL Management LLC, sau đó công ty này đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản vào năm 2021, động thái được cho là nhằm cản trở các vụ kiện chống lại J&J.

Mặc dù vậy, các tòa án đều ra phán quyết rằng J&J và công ty con không gặp khó khăn về tài chính nên không đủ điều kiện để xin phá sản. Các vụ kiện chống lại J&J đã được nối lại sau khi tòa án bác đơn xin bảo hộ phá sản thứ hai của hãng.

(Theo QLTT)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin liên quan