Đại diện cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoài Sơn, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Dow Việt Nam kiến nghị: “Doanh nghiệp rất mong muốn được hợp tác để tạo điều kiện cho cơ quan quản lý nhà nước tiếp cận những thông tin. Ngược lại thì cũng rất mong muốn được có nghĩa vụ phải bảo mật thông tin. Doanh nghiệp phải đầu tư rất là nhiều để đưa ra một sản phẩm. Chúng tôi đã gặp một vài trường hợp hải quan yêu cầu phải khai báo 100% hóa chất, như vậy cũng vi phạm đến bảo mật thông tin”
Tuy nhiên lãnh đạo Cục Hóa chất nêu, thông tin doanh nghiệp khai báo chính là dữ liệu sống để các cơ quan quản lý có thể ứng phó nếu xảy ra sự cố. Nếu tổ chức, doanh nghiệp chỉ khai báo 1 lần vào cuối năm sẽ dẫn đến việc “cô lập” dữ liệu. Việc không biết trong kho của các doanh nghiệp có loại hóa chất nào và ứng xử sai với sự cố hóa chất sẽ trở thành thảm họa đối với môi trường và sức khỏe con người.
Ông Phùng Mạnh Ngọc cũng khẳng định: “Không phải hóa chất nào cũng chữa được bằng nước; không phải hóa chất nào cũng bằng các biện pháp thu gom. Theo đó, quyết định khai trên cơ sở dữ liệu thì chúng ta có dự liệu sống để có thể làm được. Còn nếu không khai trên cơ sở dữ liệu mà bảo là phiền hà, làm 1 năm 1 lần thì dữ liệu đấy là dữ liệu chết. Như vậy khi xảy ra sự cố thì không thể cung cấp dữ liệu để xử lý những vấn đề liên quan”.
Quy định chặt chẽ hơn trong quản lý hóa chất độc hại, nguy hiểm
Trong dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) cần có khái niệm rõ ràng về hóa chất độc hại; trách nhiệm xử lý hóa chất độc tồn dư, hóa chất, sản phẩm chứa hóa chất độc bị tịch thu.
Ông Đỗ Quang Huy – Phó Chủ tịch Hội các phòng Thử nghiệm Việt Nam đưa ra đề xuất, đối với hóa chất tồn dư, chất độc hóa học thì nên tách ra làm 2 loại là hóa chất tồn trữ và tồn dư. Bởi sau chiến tranh, vẫn còn nhiều hóa chất tồn dư và tồn trữ ở các bến bãi, nhà kho mà cơ quan chức năng và địa phương vẫn chưa phát hiện ra. Bộ Quốc phòng có thể lập kế hoạch, quy trình xử lý đặc biệt, trình Chính phủ phương án xử lý các loại hóa chất tồn trữ. Còn với hóa chất tồn dư ở trong môi trường thì nên theo quy trình xử lý như cơ quan, đơn vị đang thực hiện là đúng.
Nêu quan điểm về phân định các loại hóa chất độc hại cho con người, đại biểu Nguyễn Quang Huân – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương chỉ ra, ban soạn thảo dự án Luật cần phân định các loại hóa chất bởi có những loại hóa chất rất thiết thực với đời sống xã hội và loại hóa chất độc hại. Những hóa chất nguy hiểm, độc hại như axit, xyanua… ảnh hưởng đến sức khỏe con người cần được nghiêm cấm sử dụng phải được ghi rõ ở trong dự án Luật Hóa chất (sửa đổi).
Đối với các hành vi bị cấm, tại khoản 4 Điều 7 nêu rõ: Cấm sử dụng hóa chất thuộc danh mục không được phép sử dụng để sản xuất và bảo quản thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thức ăn gia súc, thức ăn thủy sản, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, sản phẩm hóa chất tiêu dùng. Thế nhưng, trong nội dung này lại không quy định các loại biệt dược như thuốc ngủ không được bác sĩ kê đơn hay các tinh chất chiết suất để chế biến thành các loại heroin, ma túy là hành vi bị cấm. Do vậy, đại biểu Nguyễn Quang Huân đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật cần đưa các biệt dược như trên vào các hành vi bị cấm sử dụng.
Trao đổi với Báo Công Thương, ông Phùng Mạnh Ngọc cho hay, cần thiết phải quản lý hóa chất nguy hiểm và việc khai báo thông tin hóa chất hiện nay hoàn toàn không gây phiền hà, không mất nhiều thời gian của các tổ chức, doanh nghiệp, bởi tất cả đang được triển khai hoàn toàn trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4.
“Với những bất cập trên, dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) lần này được kỳ vọng sẽ có những quy định chặt chẽ hơn trong quản lý hóa chất độc hại, nguy hiểm”- ông Phùng Mạnh Ngọc nói.