Có 14 dư chấn sau động đất Myanmar, người dân cần cứu trợ gì?
ANCOFI – Dư chấn có thể tiếp tục xảy ra trong vài ngày tới trước khi nền địa chất tạm ổn định. Hiện điều kiện thời tiết khá khắc nghiệt với cái nóng ban trưa duy trì ở mức cao 38 đến 39 độ C ảnh hưởng xấu đến công tác cứu hộ.
Thảm họa động đất Myanmar: Dư chấn liên tiếp, hơn 1.700 người thiệt mạng, nguy cơ vượt 10.000
Sau trận động đất kinh hoàng 7,7 độ vào ngày 28/3 tại Myanmar, ít nhất 14 dư chấn đã xảy ra, trong đó có một dư chấn mạnh 6,4 độ chỉ 12 phút sau cơn địa chấn chính, theo Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS). Tại Thái Lan, 12 dư chấn cũng được ghi nhận ngay sau động đất. Các chuyên gia cảnh báo dư chấn có thể tiếp diễn trong những ngày tới, trước khi nền địa chất tạm ổn định.

TS Nguyễn Ngọc Huy cho biết, tính đến cuối ngày 29/3, số người thiệt mạng trong trận động đất ở Myanmar được chính quyền quân sự nước này xác nhận là 1.644 người. Đến ngày 30/3, theo thống kê chưa đầy đủ từ hãng tin AP, con số đã vượt 1.700. Tuy nhiên, do công tác cứu hộ vẫn gặp nhiều khó khăn và nhiều khu vực chưa được tiếp cận, con số thực tế có thể cao hơn nhiều.
Các chuyên gia, bao gồm Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), cảnh báo rằng số người thiệt mạng có thể vượt 10.000 trong kịch bản tồi tệ nhất, dựa trên mức độ thiệt hại và quy mô thảm họa.
Trước thông tin gây hoang mang về một trận động đất mới 7,5 độ tại Myanmar, TS Nguyễn Ngọc Huy đã lên tiếng bác bỏ, khẳng định thực tế chỉ là rung chấn, không có thêm địa chấn lớn nào xảy ra.
Công tác cứu hộ ở Myanmar: Chạy đua với thời gian giữa muôn vàn khó khăn
Công tác cứu hộ đang được triển khai khẩn trương nhưng gặp vô vàn khó khăn. Lực lượng cứu hộ và người dân tại Mandalay, Sagaing đang nỗ lực tìm kiếm người sống sót giữa đống đổ nát. Hạ tầng giao thông bị phá hủy, nhiều cây cầu quan trọng sập, cản trở việc tiếp cận viện trợ.
Các bệnh viện tại Mandalay, Sagaing và Naypyidaw quá tải, bệnh nhân phải nằm ngoài trời do thiếu giường và vật tư y tế. Quốc tế đã bắt đầu hỗ trợ với các đội cứu trợ từ Việt Nam, Nga, Ấn Độ, Malaysia và Mỹ. Liên Hợp Quốc cấp 5 triệu USD, WHO huy động vật tư từ Dubai.
Dư chấn tiếp tục xảy ra, đe dọa các công trình suy yếu và cản trở công tác cứu hộ. Hơn 3.400 người bị thương, hàng trăm người mất tích, dự báo số thương vong có thể vượt 10.000. Các đội cứu hộ đang chạy đua với thời gian nhưng gặp khó khăn do hạ tầng tàn phá và thiếu sự phối hợp.
Nắng nóng khắc nghiệt ở Myanmar kéo dài gây khó khăn cho công tác cứu hộ
Thời tiết tại Myanmar đang cực kỳ khắc nghiệt, với nhiệt độ ban ngày lên đến 39-40 độ C, gây khó khăn lớn cho công tác cứu hộ. Mất điện, mất nước trên diện rộng khiến tình hình càng trở nên nghiêm trọng, đặc biệt tại Mandalay và Sagaing.
Người mắc kẹt bị thương có rất ít cơ hội sống sót sau 48 giờ nếu không được giải cứu. Những người không bị thương cũng đối mặt nguy cơ cao nếu thiếu nước quá 72 giờ. Nắng nóng dự báo kéo dài đến ngày 6/4, làm tăng nhu cầu về nước sạch, thực phẩm, thuốc men và đèn pin.
Các bệnh viện ở Mandalay, Sagaing và Naypyidaw đang thiếu nghiêm trọng túi máu, thuốc men và dụng cụ y tế, trong khi số người bị thương đã vượt 3.400. Hàng chục nghìn người mất nhà cửa cần lều, chăn và ánh sáng do mất điện diện rộng. Máy móc hạng nặng cũng rất cần thiết để cứu những người mắc kẹt.
Tô Hội
Theo suckhoedoisong.vn