Chiến thắng trong các vụ kiện sở hữu trí tuệ: Những bài học từ các thương hiệu thành công

ANCOFIXâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang là vấn đề đau đầu với nhiều doanh nghiệp bởi nó diễn ra ngày càng nhiều với cách thức và thủ đoạn tinh vi hơn. Một số doanh nghiệp đã chiến thắng, bảo vệ được tài sản trí tuệ của mình, trong khi một số khác lại thất bại vì không có chiến lược đúng đắn. Vậy những bài học nào rút ra từ các vụ kiện thành công? Cùng ANCOFI tìm hiểu qua những ví dụ thực tế sau đây!

Quyền sở hữu trí tuệ là gì? thế nào là xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

Theo khoản 1 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi 2009, 2019) quy định: “Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng”.

Quy định tại Điều 5 Nghị định 105/2006/NĐ-CP xác định: Hành vi bị xem xét, bị coi là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ quy định tại các Điều 28, 35, 126, 127, 129 và 188 của Luật Sở hữu trí tuệ, khi có đủ các căn cứ sau đây:

  • Đối tượng bị xem xét thuộc phạm vi các đối tượng đang được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
  • Có yếu tố xâm phạm trong đối tượng bị xem xét.
  • Người thực hiện hành vi bị xem xét không phải là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và không phải là người được pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định tại các Điều 25, 26, 32, 33, khoản 2 và khoản 3 Điều 125, Điều 133, Điều 134, khoản 2 Điều 137, các Điều 145, 190 và 195 của Luật Sở hữu trí tuệ.
  • Hành vi bị xem xét xảy ra tại Việt Nam.

Như vậy, việc xác định một hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ căn cứ vào việc đối tượng có vi phạm các yếu tố nêu trên hay không.

Những vụ kiện sở hữu trí tuệ đình đám và bài học rút ra

Apple và Samsung: Cuộc chiến bằng sáng chế kéo dài

Năm 2011, cuộc chiến pháp lý giữa 2 “ông lớn công nghệ” nổ ra khi Apple đã kiện Samsung với cáo buộc sao chép thiết kế và giao diện iPhone. Tranh chấp chủ yếu xoay quanh các bằng sáng chế về cử chỉ vuốt để mở khóa, giao diện biểu tượng và thiết kế tổng thể của iPhone. Do đó, Apple đã yêu cầu Samsung bồi thường 2,5 tỷ USD vì những vi phạm trên.

(Ảnh: thegioididong.com)

Năm 2012, tòa án đã tuyên Apple thắng kiện trong vụ tranh chấp sở hữu trí tuệ với Samsung, với mức bồi thường ban đầu được xác định là 1 tỷ USD. Tuy nhiên, chỉ 6 tháng sau, Samsung đã đệ đơn kháng cáo lên Tòa án Tối cao. Vụ việc sau đó được hoàn trả về tòa án cấp quận, kéo dài suốt 7 năm với nhiều diễn biến phức tạp.

Đến tháng 5/2015, Tòa phúc thẩm đã giảm số tiền bồi thường xuống 548 triệu USD, với lý do Apple không thể bảo hộ hoàn toàn kiểu dáng sản phẩm chỉ dựa vào thương hiệu iPhone. Samsung đã thanh toán khoản tiền này vào tháng 12/2015, sau khi hai bên thống nhất bãi bỏ các tranh chấp pháp lý bên ngoài nước Mỹ.

Dù Apple được tuyên thắng kiện và nhận được khoản bồi thường, nhưng trên thực tế, không có bên nào giành chiến thắng tuyệt đối. Apple đã tiêu tốn không ít thời gian và chi phí để theo đuổi vụ kiện suốt 7 năm, trong khi Samsung vẫn có thể bán ra hàng triệu thiết bị vi phạm bằng sáng chế và thu về lợi nhuận đáng kể. Đặc biệt, vụ kiện đình đám này còn vô tình giúp Samsung gia tăng độ nhận diện thương hiệu trên toàn cầu. Mặt khác, ngoài khoản bồi thường, Samsung cũng phải tăng giá sản phẩm để bù đắp chi phí bản quyền.

Đây là một minh chứng rõ ràng cho thấy tranh chấp sở hữu trí tuệ không chỉ là cuộc chiến pháp lý, mà còn có tác động lớn đến chiến lược kinh doanh và thương hiệu của doanh nghiệp. Vậy nên, cần phải bắt đầu đăng ký bảo hộ sáng chế ngay từ đầu để bảo vệ công nghệ độc quyền, thiết lập một chiến lược pháp lý mạnh mẽ, sẵn sàng bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trước các đối thủ lớn và đăng ký bản quyền thiết kế ngay cả những yếu tố nhỏ nhất như bố cục màn hình.

Nike và StockX: Cuộc chiến vi phạm bản quyền trong không gian NFT

Đầu tháng 2/2022, tại tòa án liên bang New York, Nike đã kiện StockX, cáo buộc công ty này ăn cắp thương hiệu của họ để kiếm lợi từ thị trường NFT. Cụ thể, Nike cho rằng StockX đã bán các phiên bản NFT của những đôi giày nổi tiếng như Nike Dunk, Air Jordan 1 cùng các dòng giày khác mà không có sự cho phép. Những NFT này được StockX gọi là Vault NFT, với mục đích nhằm mô phỏng và kinh doanh các sản phẩm có thương hiệu Nike trong không gian số mà không có quyền sử dụng hợp pháp từ Nike.

Theo báo cáo của Reuters, Nike đã đệ đơn kiện StockX lên tòa án Liên bang New York, yêu cầu một khoản tiền bồi thường thiệt hại không được tiết lộ và yêu cầu ngừng bán các món đồ sưu tầm ảo như NFT liên quan đến sản phẩm của họ. StockX bị cáo buộc đã bắt đầu bán NFT cho giày thể thao Nike từ tháng 1/2022, và hứa với người mua rằng họ sẽ có thể đổi lấy phiên bản thế giới thực của đôi giày này trong tương lai gần.

Trong đơn kiện dài 50 trang, Nike tuyên bố StockX đã bán gần 500 đôi giày thể thao NFT mang thương hiệu Nike, điều này đã làm giảm uy tín và tính hợp pháp của thương hiệu. Nike cũng cáo buộc rằng giá bán các đôi giày NFT này quá cao, với điều khoản mua và sở hữu rất mơ hồ và thiếu minh bạch. Việc này đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến thương hiệu Nike, gây sự nhầm lẫn và không rõ ràng cho khách hàng về quyền sở hữu và giá trị thực tế của những sản phẩm này.

Cuối cùng Nike đã giành phần thắng trong cuộc chiến pháp lý này, khẳng định ý nghĩa quan trọng đối với quyền kiểm soát thương hiệu của Nike trên nền tảng số. Đồng thời nhấn mạnh rằng các thương hiệu lớn có quyền bảo vệ tài sản trí tuệ của mình trong cả môi trường kỹ thuật số, không chỉ trên sản phẩm vật lý.

Chiến lược giúp doanh nghiệp tránh tranh chấp và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ

Đăng ký bảo hộ từ sớm

Để bảo vệ quyền lợi của mình, doanh nghiệp cần đăng ký bảo hộ các tài sản trí tuệ sớm. Điều này bao gồm việc đăng ký nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ, bản quyền tại Cục Bản quyền tác giả và bằng sáng chế cho các công nghệ độc quyền. Việc đăng ký này giúp doanh nghiệp xác lập quyền sở hữu và bảo vệ tài sản trí tuệ khỏi hành vi xâm phạm.

Theo dõi và giám sát quyền sở hữu trí tuệ

Sau khi đăng ký bảo hộ, doanh nghiệp cần theo dõi và giám sát quyền sở hữu trí tuệ của mình. Các công cụ giám sát nhãn hiệu sẽ giúp phát hiện sớm các hành vi xâm phạm. Bên cạnh đó, việc theo dõi các nền tảng mạng xã hội, thương mại điện tử cũng là một phần quan trọng để phát hiện hàng giả, hàng nhái. Nếu phát hiện vi phạm, doanh nghiệp có thể gửi cảnh báo vi phạm (Cease & Desist Letter) để yêu cầu ngừng hành vi vi phạm trước khi tiến hành kiện tụng.

Lập chiến lược pháp lý vững chắc

Một chiến lược pháp lý rõ ràng rất cần thiết để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp. Doanh nghiệp nên hợp tác với các luật sư để có sự tư vấn chuyên sâu về các vấn đề pháp lý. Họ sẽ giúp kiểm tra và gia hạn bảo hộ định kỳ, tránh trường hợp mất quyền sở hữu. Đồng thời, việc thiết lập các điều khoản pháp lý rõ ràng trong các hợp đồng hợp tác hoặc cấp phép thương hiệu cũng rất quan trọng để tránh những tranh chấp sau này.

Kết luận

Bảo vệ sở hữu trí tuệ không chỉ giúp doanh nghiệp tránh tranh chấp mà còn tạo lợi thế cạnh tranh vững chắc. Những doanh nghiệp như Apple, Nike  đã thành công trong việc đăng ký bảo hộ, giám sát và bảo vệ tài sản trí tuệ, từ đó khẳng định vị thế trên thị trường.

Kim Ngân

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin liên quan