Các quy định gia hạn bảo hộ kiểu dáng công nghiệp: Doanh nghiệp cần lưu ý
-
Gia hạn bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp
Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp có thể được gia hạn tối đa 02 lần liên tiếp, mỗi lần 05 năm, giúp kéo dài thời gian bảo hộ quyền lợi của chủ sở hữu đối với kiểu dáng sản phẩm.
Trường hợp kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ có nhiều phương án thiết kế, việc gia hạn có thể áp dụng cho toàn bộ hoặc một số phương án nhất định, với điều kiện phương án cơ bản phải được gia hạn.
Việc gia hạn giúp chủ sở hữu duy trì lợi thế cạnh tranh trên thị trường, tránh trường hợp kiểu dáng bị bên thứ ba sao chép hoặc sử dụng trái phép.
Hồ Sơ Yêu Cầu Gia Hạn Hiệu Lực Bằng Độc Quyền Kiểu Dáng Công Nghiệp & Giấy Chứng Nhận Đăng Ký Nhãn Hiệu
-
Để gia hạn hiệu lực Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, chủ sở hữu cần chuẩn bị hồ sơ gồm:
- Tờ khai yêu cầu gia hạn hiệu lực theo Mẫu số 07 tại Phụ lục II của Nghị định 65/2023/NĐ-CP.
- Bản gốc văn bằng bảo hộ (nếu văn bằng cấp dưới dạng giấy và có yêu cầu ghi nhận việc gia hạn).
- Văn bản ủy quyền (nếu nộp hồ sơ thông qua đại diện).
- Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp thanh toán qua bưu chính hoặc chuyển khoản vào tài khoản cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp).
- Số lượng hồ sơ: 1 bộ
Lưu ý quan trọng
Một hồ sơ có thể dùng để gia hạn nhiều văn bằng bảo hộ nếu có cùng loại đối tượng và cùng chủ sở hữu, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí.
Doanh nghiệp có thể sử dụng dịch vụ tư vấn pháp lý để đảm bảo hồ sơ đầy đủ, chính xác và tránh sai sót trong quá trình gia hạn.
-
Nộp hồ sơ và phí, lệ phí khi gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ
Chủ sở hữu Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cần nộp hồ sơ gia hạn cùng các khoản phí, lệ phí cho cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp trong 06 tháng trước khi văn bằng hết hiệu lực.
Hồ sơ cần kèm theo các khoản phí, lệ phí sau:
- Phí thẩm định yêu cầu gia hạn: 160.000 đồng.
- Lệ phí gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ: 100.000 đồng
- Phí sử dụng văn bằng bảo hộ: 700.000 đồng
- Phí đăng bạ quyết định gia hạn: 120.000 đồng
- Phí công bố quyết định gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ: 120.000 đồng
Nộp hồ sơ quá hạn
Trường hợp chưa kịp gia hạn trong thời gian quy định, chủ sở hữu vẫn có thể nộp hồ sơ muộn nhưng không quá 06 tháng kể từ ngày văn bằng hết hiệu lực. Khi đó, chủ sở hữu phải nộp thêm lệ phí chậm nộp cho mỗi tháng quá hạn theo quy định.
-
Thủ tục xem xét hồ sơ yêu cầu gia hạn văn bằng bảo hộ
Thời Gian Xem Xét Hồ Sơ thực hiện trong vòng 01 tháng kể từ ngày nhận được hồ sơ gia hạn, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp sẽ xem xét và thực hiện các bước sau:
Trường hợp hồ sơ hợp lệ:
- Ra quyết định gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ.
- Ghi nhận vào văn bằng bảo hộ (nếu có yêu cầu).
- Đăng bạ và công bố quyết định gia hạn trên Công báo Sở hữu công nghiệp trong vòng 60 ngày kể từ ngày ra quyết định.
Trường hợp hồ sơ không hợp lệ:
- Ra thông báo dự định từ chối gia hạn, nêu rõ lý do và ấn định 02 tháng để người yêu cầu:
- Bổ sung, sửa chữa hồ sơ.
- Cung cấp ý kiến phản đối nếu có cơ sở.
Nguyên nhân phổ biến dẫn đến từ chối gia hạn:
- Hồ sơ sai sót hoặc không đúng quy định.
- Người nộp yêu cầu không phải chủ sở hữu hợp pháp của văn bằng bảo hộ.
Nếu hết thời hạn 02 tháng doanh nghiệp không sửa chữa hồ sơ hoặc sửa nhưng không đạt yêu cầu và không có ý kiến phản đối hoặc phản đối không thuyết phục. Cơ quan quản lý sẽ ra quyết định từ chối gia hạn.
Ghi nhận gia hạn vào văn bằng bảo hộ
Sau khi được gia hạn, nếu chủ sở hữu yêu cầu ghi nhận vào văn bằng bảo hộ, cần làm thủ tục sửa đổi văn bằng bảo hộ và nộp phí, lệ phí theo quy định.
Tổng hợp | Mỹ Liễu