“Ban Quản lý Rừng phòng hộ tỉnh chỉ phối hợp để kiểm tra vi phạm mà không sử dụng các biện pháp hữu hiệu để quản lý, bảo vệ rừng theo nhiệm vụ và quyền hạn được quy định tại khoản 1 Điều 2l Quyết định số 08/2001/QĐ-TTg ngày 11/01/2001 của Thủ tướng Chính phủ quy định về ban hành quy chế quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất là rừng tự nhiên”, kết luận thanh tra nêu.
Một số công trình vi phạm, lấn chiếm đất rừng. Ảnh: CTV |
Những vi phạm của chùa về sử dụng đất và xây dựng công trình trên đất diễn ra từ lâu, trong thời gian dài, đồng thời, ngày 9/11/2009 Hạt Kiểm lâm có Thông báo số 196/TB-HKL về việc xử lý vi phạm hành chính đối với ông Ngô Quang Phú và kiến nghị Ban Quản lý Rừng phòng hộ tỉnh có biện pháp xử lý hợp đồng khoán đối với ông Vương Tấn Việt nhưng Ban Quản lý Rừng phòng hộ tỉnh vẫn không xem xét.
“Năm 2011, Ban Quản lý Rừng phòng hộ tỉnh vẫn ký lại Hợp đồng khoán với ông Vương Tấn Việt và đến năm 2012 mới ban hành Quyết định hủy hợp đồng khoán với ông Việt. Điều này thể hiện Ban Quản lý Rừng phòng hộ tỉnh thiếu tinh thần trách nhiệm, quản lý đất rừng thiếu chặt chẽ, chưa làm tốt vai trò trách nhiệm của mình của trong công tác quản lý, bảo vệ rừng được giao”, kết luận thanh tra khẳng định.
Đáng nói, thời điểm năm 2018, Ban Quản lý Rừng phòng hộ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vẫn chưa lập thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích 4.150m2 đất thuộc thửa số l3 và 17, tờ bản đồ số 30, bản đồ địa chính xã Tân Hòa, dẫn đến phần diện tích đất này mặc dù thuộc quyền quản lý của Ban Quản lý Rừng phòng hộ tỉnh nhưng chưa cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chủ sử dụng đất (Ban Quản lý Rừng phòng hộ tỉnh), trong khi đó chùa vẫn tiếp tục sử dụng.
Đối với việc Chùa Phật Quang xây dựng công trình trên đất rừng phòng hộ, kết luận thanh tra có nêu, chùa xây dựng nhiều công trình trên đất rừng phòng hộ diễn ra trong thời gian dài nhưng Ban Quản lý Rừng phòng hộ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu không có biện pháp xử lý dứt điểm vụ việc.
“Đối với việc Chùa Phật Quang mở con đường nhựa, khi nhận được đơn xin mở đường băng của chùa, Ban Quản lý Rừng phòng hộ tỉnh không có văn bản trả lời chùa về kết quả xử lý vụ việc. Khi chùa xây dựng con đường, Ban Quản lý Rừng phòng hộ tỉnh cũng không có biện pháp ngăn chặn và giải quyết dứt điểm vụ việc”, kết luận thanh tra nêu rõ.
UBND thị xã Phú Mỹ sẽ cưỡng chế cưỡng chế những công trình xây dựng do hành vi chiếm 1.418,25m2 đất rừng phòng hộ vào năm 2021 tại Chùa Phật Quang. Ảnh: CTV |
Theo đó, trách nhiệm thuộc về Giám đốc Ban Quản lý Rừng phòng hộ tỉnh trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện chức năng của đơn vị; Trạm Trưởng Trạm Quản lý bảo vệ rừng Tóc Tiên năm 2011 (hiện nay – thời điểm 2018 là Phó Trưởng Phòng Quản lý bảo vệ rừng, thuộc Ban Quản lý Rừng phòng hộ tỉnh); Nhân viên của Trạm Quản lý bảo vệ rừng Tóc Tiên năm 2011 (hiện nay – thời điểm năm 2018 là Phụ trách Trạm Bảo vệ rừng Phước Thuận) trong việc lập biên bản.
Đối với Hạt Kiểm lâm huyện Tân Thành (nay là thị xã Phú Mỹ), trong quá trình quản lý rừng đã kiểm tra lập biên bản và ban hành nhiều Quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, chùa chỉ chấp hành hình phạt chính là nộp tiền, riêng việc yêu cầu trồng lại một số cây rừng để khôi phục lại hiện trạng ban đầu thì Chùa Phật Quang không thực hiện, mà chùa vẫn tiếp tục xây dựng các công trình trên đất.
“Hạt Kiểm lâm không ban hành quyết định cưỡng chế để tổ chức cưỡng chế thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Hạt Kiểm Lâm huyện Tân Thành chưa làm tốt trách nhiệm của mình trong công tác bảo vệ rừng, dẫn đến việc chùa nhiều lần chặt phá cây rừng để xây dựng nhiều công trình diễn ra trong thời gian dài và ngày càng phức tạp”, trích trong kết luận thanh tra.
Được biết, sau kết luận thanh tra năm 2018, UBND thị xã Phú Mỹ đã ra quyết định xử lý kỷ luật 8 cá nhân và 2 tổ chức liên quan nhưng sau đó tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu lại có đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho khu vực vi phạm nêu trên.