Chuyển đổi năng lượng: Cần thể chế, vốn và con người
ANCOFI – Việt Nam đang chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ theo hướng xanh nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển quốc gia và điều này cần thể chế, vốn và con người.
Tại Diễn đàn P4G sáng 17/4 ở Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh cam kết mạnh mẽ của Việt Nam với tăng trưởng xanh. Sự kiện là bước khẳng định định hướng chính sách rõ ràng cho chuyển đổi năng lượng hiệu quả và bền vững.
Đổi mới sáng tạo – từ công nghệ đến thể chế
Tại phiên thảo luận về chuyển đổi năng lượng bền vững trong khuôn khổ Diễn đàn P4G, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh ba trụ cột chiến lược: đổi mới sáng tạo, hợp tác công – tư, và lấy con người làm trung tâm. Đây là nền tảng tạo nên định hướng tổng thể và hành động rõ ràng cho quá trình chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam.

Ông khẳng định, đổi mới sáng tạo là “chìa khóa” chứ không chỉ là yếu tố hỗ trợ. Trong bối cảnh năng lượng xanh còn đắt đỏ và hiệu suất chưa cao, các công nghệ như lưới điện thông minh, pin lưu trữ, năng lượng hydrogen hay AI đang mở ra hướng đi mới cho sản xuất và tiêu dùng điện năng.
Tuy nhiên, đổi mới cần bắt đầu từ thể chế. Từ ưu đãi tài chính, bảo vệ sở hữu trí tuệ đến cơ chế pháp lý linh hoạt, tất cả đều cần thiết để thúc đẩy mô hình kinh doanh mới. Thứ trưởng nhấn mạnh, yếu tố quyết định vẫn là con người – những nhân lực có năng lực kết nối công nghệ với chính sách, hiện thực hóa mục tiêu phát triển năng lượng bền vững.
Hợp tác công – tư: Đòn bẩy tài chính
Một điểm nhấn quan trọng trong phát biểu của Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long là vai trò chiến lược của hợp tác công – tư (PPP) trong chuyển đổi năng lượng. Nhà nước vạch định hướng và luật chơi, nhưng khu vực tư nhân mới là đòn bẩy mang đến vốn, công nghệ và sự linh hoạt trong vận hành. Các mô hình PPP thành công đã giúp giảm chi phí, rủi ro và đẩy nhanh tiến độ triển khai điện gió, điện mặt trời – đưa Việt Nam vào nhóm dẫn đầu ASEAN về năng lượng tái tạo.

Thứ trưởng cũng khuyến khích tận dụng các sáng kiến hợp tác quốc tế như P4G nhằm mở rộng khả năng tiếp cận nguồn tài chính xanh toàn cầu – yếu tố then chốt trong bối cảnh các thị trường lớn như EU, Mỹ siết chặt tiêu chuẩn phát thải.
Tận dụng hiệu quả hợp tác công – tư và tài chính quốc tế sẽ giúp Việt Nam không chỉ đẩy nhanh quá trình chuyển dịch năng lượng trong nước, mà còn giữ vững vị thế cạnh tranh trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Lấy con người làm trung tâm
Một điểm nhấn khác biệt trong bài phát biểu của Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long là tư duy lấy con người làm trung tâm trong chuyển đổi năng lượng. Đây không chỉ là hành trình cắt giảm phát thải, mà còn là cơ hội để thu hẹp bất bình đẳng, mang điện sạch đến mọi miền – từ đô thị hiện đại đến vùng sâu vùng xa.

Thứ trưởng nhấn mạnh, chính sách năng lượng cần bao trùm, tạo cơ hội cho mọi người dân và doanh nghiệp – từ điện mặt trời mái nhà, mô hình tài chính vi mô, đến lưới điện thông minh cho vùng biên. Tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau” là kim chỉ nam cho mọi dự án.
Từ Diễn đàn P4G đến COP28 hay Chiến lược tăng trưởng xanh, Việt Nam đang khẳng định vị thế tiên phong với một mô hình phát triển bền vững, công bằng và sáng tạo.
Thu Hường
Theo congthuong.vn