Thông qua chủ trương hợp nhất TPHCM, tỉnh Bình Dương, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

ANCOFI – Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tán thành chủ trương hợp nhất tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh.

Các đại biểu biểu quyết thông qua tờ trình của UBND TPHCM

TP.HCM sẽ hợp nhất với Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu: Hướng tới cực tăng trưởng mới của cả nước

Sáng 18/4, tại Kỳ họp thứ 22, HĐND TP.HCM khóa X đã chính thức thông qua nghị quyết quan trọng: tán thành chủ trương sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã trên địa bàn Thành phố.

Theo đó, TP.HCM sẽ hợp nhất với hai tỉnh lân cận là Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu, hình thành một đô thị trực thuộc Trung ương duy nhất mang tên Thành phố Hồ Chí Minh. Trung tâm chính trị – hành chính đặt tại số 86 Lê Thánh Tôn, Quận 1 – trụ sở UBND TP hiện tại.

Đề án đặt mục tiêu xây dựng mô hình chính quyền hai cấp hiện đại, phù hợp với Hiến pháp và luật pháp hiện hành. Việc sáp nhập không chỉ hợp lý hóa bộ máy hành chính, mà còn kỳ vọng tạo ra một trung tâm phát triển kinh tế năng động mới, tận dụng tối đa tiềm lực về đất đai, dân số và các thế mạnh công nghiệp – dịch vụ của cả ba địa phương, góp phần đưa vùng Đông Nam Bộ trở thành cực tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới.

TP.HCM mới: Hơn 13,7 triệu dân, giảm mạnh số phường xã, xuất hiện nhiều địa danh lịch sử

Thành phố Hồ Chí Minh sau sáp nhập sẽ có diện tích tự nhiên lên tới 6.772,59 km², với quy mô dân số hơn 13,7 triệu người – trở thành một trong những đô thị lớn nhất cả nước về cả diện tích lẫn dân số.

Về đơn vị hành chính cấp xã, đề án cho thấy sự thay đổi lớn: từ 273 đơn vị hành chính (gồm 210 phường, 58 xã, 5 thị trấn), giảm còn 102 đơn vị (78 phường và 24 xã), tức giảm 62,64% – tương đương 171 đơn vị hành chính.

Điểm nhấn đáng chú ý là việc đặt tên cho các phường mới mang đậm dấu ấn lịch sử – văn hóa của Thành phố, như:

  • Phường Sài Gòn (gộp từ phường Bến Nghé và một phần phường Đa Kao, Nguyễn Thái Bình – Quận 1)
  • Phường Chợ Lớn (từ các phường 11, 12, 13, 14 – Quận 5)
  • Phường Gia Định (từ các phường 1, 2, 7, 17 – Quận Bình Thạnh)

Nhiều địa danh quen thuộc như Thủ Đức, Phú Nhuận, Nhà Bè, Bình Chánh, Bình Tân, Tân Bình, Cần Giờ… cũng được giữ lại làm tên các phường mới sau sắp xếp.

Ngoài ra, kỳ họp lần này của HĐND TP.HCM cũng thông qua việc thành lập Sở Xây dựng mới, trên cơ sở hợp nhất Sở Xây dựng và Sở Giao thông công chánh hiện tại. Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ được đổi tên thành Sở Nông nghiệp và Môi trường, đánh dấu bước điều chỉnh quan trọng trong cơ cấu bộ máy quản lý của Thành phố.

Theo xaydungchinhsach.chinhphu.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin liên quan