TPHCM lên phương án sắp xếp sau khi sáp nhập Bình Dương, Vũng Tàu

ANCOFI – TPHCM mới sẽ có 168 đơn vị hành chính trực thuộc, hình thành siêu đô thị mới của vùng Đông Nam Bộ.

Ba tỉnh hợp nhất: TPHCM, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ trở thành siêu đô thị?

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên phát biểu tại hội nghị – Ảnh: VGP/Vũ Phong

Tối 15/4, Thành ủy TPHCM phát đi thông cáo báo chí về kết quả Hội nghị lần thứ 39 Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố khóa XI, trong đó nổi bật là đề án hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh với tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và tỉnh Bình Dương.

Theo đề án, ba địa phương sẽ sáp nhập thành một TPHCM mới – thành phố trực thuộc Trung ương, có diện tích hơn 6.772 km², dân số gần 13,7 triệu người và tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2024 đạt gần 678.000 tỷ đồng. Đây được kỳ vọng sẽ là “siêu đô thị” năng động, đóng vai trò đầu tàu phát triển mới cho cả nước và vùng Đông Nam Bộ.

Sau sắp xếp, TP mới sẽ có 168 đơn vị hành chính cấp xã. Cơ cấu chính quyền cũng được tinh gọn, HĐND hợp nhất và tiếp tục hoạt động đến hết nhiệm kỳ hiện tại. Kỳ họp HĐND đầu tiên của TP mới sẽ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ định triệu tập viên chủ trì cho đến khi có Chủ tịch HĐND mới.

Đáng chú ý, nhiều địa danh quen thuộc được đưa trở lại như Quận 1 sẽ có phường mang tên Sài Gòn, Quận 5 có đơn vị hành chính tên Chợ Lớn, phường Cây Mai (Quận 11) đổi tên thành Minh Phụng. Các địa phương như Quận 3, 7, 10, Tân Bình và Củ Chi cũng đang xem xét đổi tên hành chính sau sắp xếp.

Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã đảm bảo hài hòa

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cho biết, Thành phố thống nhất chủ trương sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã, giảm khoảng 60% – 70% theo định hướng cả nước. Tuy nhiên, việc sắp xếp không làm cơ học mà phải bảo đảm sự thuận tiện nhất cho người dân, doanh nghiệp, giữ gìn bản sắc văn hóa – lịch sử và tên gọi quen thuộc với người dân Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định – TPHCM.

Ông Nên nhấn mạnh, cấp xã không phải là “huyện thu nhỏ” mà là cấp gần dân nhất. Vì vậy, việc tổ chức lại bộ máy phải tinh gọn, hiệu quả, vận hành ổn định, ít gây xáo trộn, đồng thời phải lấy ý kiến nhân dân trước khi triển khai. Công tác bố trí nhân sự, trụ sở, trang thiết bị… phải hoàn tất trước giữa tháng 7/2025.

Đại hội Đảng cấp xã nhiệm kỳ 2025 – 2030 sẽ được tổ chức trước 15/8/2025, còn Đại hội Đảng bộ TP.HCM hoàn thành trước ngày 31/10/2025. Bí thư yêu cầu toàn bộ quá trình sắp xếp phải được theo dõi sát sao, rõ người – rõ việc – rõ tiến độ – rõ trách nhiệm để đảm bảo hiệu quả cao nhất.

Anh Thơ 

Theo tphcm.chinhphu.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin liên quan