Trong khi đó, đối với hệ thống Thương vụ, định kỳ hàng tuần, hàng tháng, hệ thống các Thương vụ Việt Nam tại thị trường châu Âu đều cập nhật kịp thời các thông tin, chính sách thay đổi của thị trường nước sở tại trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương, Báo Công Thương cùng nhiều cơ quan báo chí trong nước; cũng như tích cực tham gia Hội nghị giao ban Xúc tiến thương mại hàng tháng do Bộ Công Thương tổ chức để trao đổi, đưa ra nhưng khuyến cáo, cảnh báo đến cộng đồng doanh nghiệp trong nước.
Với những nỗ lực kể trên, xuất nhập khẩu giữa Việt Nam sang các nước trong khu vực châu Âu liên tục tăng trưởng qua các năm.
6 tháng đầu năm, theo số liệu của Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và châu Âu đạt 40 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 30 tỷ USD, tăng 17%, nhập khẩu từ EU đạt 10 tỷ USD, tăng 11,4 %. Nhờ xuất khẩu khởi sắc so với cùng kỳ năm ngoái đã góp phần cải thiện cán cân thương mại với mức xuất siêu 20 tỷ USD.
Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 6/2024 |
Đẩy mạnh hoạt động kinh tế – thương mại
Nhằm đẩy mạnh hoạt động kinh tế – thương mại, công tác thị trường nước ngoài và xúc tiến thương mại, góp phần tăng cường xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đến các nước trong khu vực và thế giới; cùng đó, hướng tới mục tiêu tăng cường công tác kết nối, phối hợp và hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến các hoạt động xuất khẩu, trong hai ngày 18 và 19/7/2024 tới đây, Bộ Công Thương sẽ tổ chức Hội nghị các Tham tán thương mại khu vực châu Âu, tại thành phố Roma, Italia.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng các Tham tán công sứ, Tham tán thương mại, các Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại khu vực châu Âu và Lãnh đạo các Cục, Vụ chức năng của Bộ Công Thương sẽ tham dự hội nghị.
Theo Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, Hội nghị các Tham tán thương mại khu vực châu Âu sẽ tập trung đánh giá hiện trạng, xu hướng chính sách kinh tế, thương mại tại khu vực châu Âu – những tác động đến Việt Nam cũng như những vấn đề đặt ra trong thời gian tới và trao đổi để đưa ra các khuyến nghị về chiến lược, các biện pháp phát triển thị trường khu vực châu Âu cho giai đoạn 2024 – 2025 và các năm tiếp theo, trong đó đặc biệt tập trung vào công tác tăng cường công tác nghiên cứu thị trường, xây dựng các khung hợp tác mới về kinh tế, thương mại và công nghiệp, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế Việt Nam trong thời kỳ mới, công tác vận động chính sách, tháo gỡ rào cản thị trường, tăng cường xúc tiến thương mại phục vụ doanh nghiệp.
Theo lịch trình dự kiến, Hội nghị các Tham tán thương mại khu vực châu Âu sẽ bao gồm 2 phiên làm việc chính: Phiên làm việc giữa các đơn vị trong Bộ Công Thương và hệ thống Thương vụ các nước châu Âu; phiên làm việc chính thức. Tại phiên làm việc giữa các đơn vị trong Bộ Công Thương và hệ thống Thương vụ các nước châu Âu, các đại biểu sẽ được nghe báo cáo tổng kết công tác Thương vụ và việc thực hiện nhiệm vụ phát triển thị trường giai đoạn 2022-2024 và định hướng 2024-2025 và phương hướng trong thời gian tới; trao đổi các nội dung về phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, thúc đẩy xuất nhập khẩu và hợp tác năng lượng…
Trong khi đó, tại phiên làm việc chính thức, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận nhận diện thách thức và cơ hội tại thị trường châu Âu; công tác nghiên cứu thị trường, phát triển thông tin thị trường cũng như thảo luận đưa ra các giải pháp đa dạng hóa thị trường, xúc tiến thương mại; thảo luận về xây dựng chuỗi cung ứng bền vững; trao đổi các giải pháp tăng cường hợp tác về công nghiệp, năng lượng và đầu tư với các nước châu Âu…
Dự kiến, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên sẽ có bài phát biểu khai mạc và kết luận tại các phiên làm việc trong khuôn khổ của hội nghị. Tại đây, Bộ trưởng sẽ đánh giá về những kết quả hoạt động của hệ thống Thương vụ trong thời gian vừa qua tại thị trường châu Âu – địa bàn có những đối tác xuất khẩu chiến lược hàng đầu của Việt Nam, đồng thời cũng là khu vực Việt Nam đang ưu tiên nỗ lực mở rộng hợp tác về mọi mặt, chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại…
Theo Quyết định số 4376/QĐ-BCT ngày 8/8/2008 của Bộ Công Thương, Thương vụ tại các nước, vùng lãnh thổ và tổ chức quốc tế (Thương vụ) là cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Công Thương và là một bộ phận thuộc cơ cấu tổ chức của Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài. Thương vụ có chức năng đại diện và bảo vệ lợi ích của Việt Nam, của các doanh nghiệp và cá nhân người Việt Nam trong quan hệ kinh tế – thương mại, công nghiệp, phát triển đầu tư công nghiệp, dịch vụ thương mại các nước, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế; hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại của Việt Nam tại nước ngoài. Về quyền hạn, nhiệm vụ, Thương vụ là đại diện lợi ích kinh tế – thương mại, phát triển đầu tư công nghiệp, dịch vụ thương mại đó là tham gia các hoạt động kinh tế đối ngoại của Cơ quan đại diện; tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước; duy trì, thúc đẩy và phát triển quan hệ hợp tác kinh tế – thương mại, công nghiệp, phát triển đầu tư công nghiệp, dịch vụ thương mại giữa Việt Nam với các nước, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế. Bên cạnh đó, tham gia hoạt động liên quan đến đàm phán và ký hiệp định kinh tế – thương mại, công nghiệp, phục vụ các đoàn đại biểu cấp cao của Việt Nam sang làm việc; thực hiện các nhiệm vụ khác liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực; thu thập thông tin, nghiên cứu cơ chế, chính sách thị trường sở tại; tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, dịch vụ, đầu tư công nghiệp. Trong tiến trình thực hiện mục tiêu hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng với chủ trương “Đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ kinh tế quốc tế, tránh lệ thuộc vào một thị trường, một đối tác” trải qua các giai đoạn, thời kỳ xây dựng và phát triển của đất nước với nhiều khó khăn, thách thức, Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài được ví như là “sứ giả kinh tế”, người bắc cầu nối kết giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, góp phần phát triển thị trường xuất nhập khẩu. |