Vietravel Airlines ba năm cất cánh: Lỗ lũy kế hơn nghìn tỷ, âm vốn trăm tỷ

ANCOFI – Chiến lược đánh bóng thương hiệu, cạnh tranh lấy thị phần của Vietravel Airlines đã phát huy hiệu quả rõ rệt, song bài toán chi phí đang là nỗi ám ảnh.

Ba năm “sải cánh” trên bầu trời

Cuối tháng 12/2020, công chúng hân hoan trước thông tin Vietravel Airlines – hãng hàng không lữ hành đầu tiên của Việt Nam chính thức ra mắt tại TP. Hồ Chí Minh và bắt đầu có chuyến bay đầu tiên trong tháng 1/2021.

Vietravel Airlines đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư 700 tỷ đồng, đáp ứng đủ điều kiện thực hiện dự án khai thác vận tải hàng không trong 50 năm, trên 30 máy bay, bao gồm các đối tượng vận chuyển như hành khách, hàng hóa, hành lý, bưu kiện…

Không chỉ là hãng hàng không lữ hành đầu tiên của Việt Nam, Vietravel Airlines còn là hãng bay ra đời trong hoàn cảnh “độc nhất vô nhị”, giữa làn sóng dịch bệnh Covid-19 bùng nổ, bủa vây toàn thế giới kéo lùi sự phát triển của ngành hàng không toàn cầu.

Vietravel Airlines ba năm cất cánh: Lỗ lũy kế hơn nghìn tỷ, âm vốn trăm tỷ
Doanh nhân Nguyễn Quốc Kỳ, nhà sáng lập Công ty Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam và Vietravel Airlines (Ảnh minh họa)

Song, cơ hội vẫn tồn tại trong lúc ngặt nghèo nhất, phần lớn các hãng bay thu hẹp hoạt động sẽ giúp chi phí đầu vào của Vietravel Airlines có cơ hội được tiết giảm. “Nếu trước thời điểm dịch bệnh rất khó thuê được máy bay tốt giá rẻ, khó thuê được lao động chất lượng cao như phi công, kỹ thuật máy bay… thì đến nay chúng tôi đã dễ dàng thuê được với chi phí phải chăng, chưa kể các chi phí khác cũng giảm như xăng dầu, dịch vụ”, Tổng giám đốc Vietravel Airlines, ông Vũ Đức Biên từng chia sẻ với báo giới.

Tới nay, đã hơn 3 năm Vietravel Airlines đi vào vận hành. Hãng đã nâng số lượng máy bay khai thác từ con số 1 ban đầu lên 3 chiếc, cùng mang chủng loại Airbus A321CEO. Mạng lưới đường bay của Vietravel Airlines cũng được mở rộng đến các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang, Quy Nhơn, Đà Lạt và ra cả quốc tế như Bangkok.

Đơn vị này còn thành công thực hiện các chuyến bay charter đến Daegu, Muan (Hàn Quốc), Ma Cao, Tam Á (Trung Quốc). Sự ra đời của Vietravel Airlines có thể ví như “đi ngược chiều gió”, và không thể phủ nhận những thành công nhất định họ đã gặt hái trong các năm qua.

Chẳng hạn, Vietravel Airlines bước lên thương trường là lúc Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam (Vietravel, UPCoM: VTR) – công ty mẹ do doanh nhân Nguyễn Quốc Kỳ sáng lập, đã chính thức trở thành doanh nghiệp du lịch Việt Nam đầu tiên khép kín hệ sinh thái dịch vụ lữ hành hàng không.

Tuy nhiên, thách thức cho quá trình phát triển của hãng bay non trẻ còn rất lớn, đòi hỏi cần thúc đẩy các cải cách mạnh hơn để khắc phục những bất cập cơ bản trong hoạt động kinh doanh của họ. Quan trọng hơn cả là làm sao để có lãi, tự nuôi sống bản thân thay vì phải sống dựa vào các nguồn lực hỗ trợ bên ngoài.

Mất vốn

Suốt 3 năm qua (2021 – 2023), giống như đa số các “startup” khác khi mới “chập chững” trên thương trường, Vietravel Airlines đối diện với nhiều khó khăn nảy sinh, tìm cách kiện toàn bộ máy quản trị doanh nghiệp để vận hành sao cho thông suốt, ổn định và đúng mục tiêu kinh doanh. Các chi phí đầu tư ban đầu nhằm phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu và mở rộng thị phần như marketing, vận hành tiêu tốn của họ không ít ngân sách, đẩy tổng chi vượt xa khỏi tổng thu, kích hoạt những khoản thua lỗ đáng tiếc.

Trên thực tế, tài liệu của Báo Công Thương cho thấy, suốt ba năm này, năm 2022 là thời điểm Vietravel Airlines phải gồng mình trước “cơn bão” to lớn, số lỗ đột ngột lên đến 559 tỷ đồng đã đẩy ban lãnh đạo vào hoàn cảnh “quay cuồng” tìm cách bổ sung nguồn vốn. Dù có sự chuẩn bị từ cuối năm 2021, bằng việc gia cố bộ đệm vốn từ 700 tỷ đồng lên 1.300 tỷ đồng nhưng sự bị động về mặt tâm lý, chiến lược ngắn hạn là điều khó tránh khỏi.

Vốn chủ sở hữu lúc này bị “bào mòn” còn 302,4 tỷ đồng (hết năm 2022), trong khi năm trước đó là 861,6 tỷ đồng. Sau 2 năm vận hành, tổng lỗ lũy kế của hãng bay đã tròn 1.000 tỷ đồng. Để có dòng tiền duy trì hoạt động, năm 2022, Vietravel Airlines gửi đề xuất xin điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án vận tải hàng không lữ hành Việt Nam lên cơ quan chức năng có thẩm quyền, đề nghị được nâng tổng vốn đầu tư từ 700 tỷ đồng lên 8.250 tỷ đồng.

Trong đó, vốn góp của nhà đầu tư là 2.000 tỷ đồng, còn lại là vốn huy động và lợi nhuận để lại của nhà đầu tư để tái đầu tư. Tuy nhiên, tới giờ, mong muốn của Vietravel Airlines vẫn “trên giấy”, bị tắc lại do liên quan đến quy định pháp luật hiện hành.

Dẫu vậy, điểm sáng là thị phần khai thác của Vietravel Airlines đã có sự tăng trưởng đáng kể, doanh thu năm 2022 tăng khá mạnh lên 800 tỷ đồng, cho thấy những đồng tiền doanh nghiệp chi trả cho các hoạt động xây dựng thương hiệu, quảng bá đang phát huy được hiệu quả.

Năm 2023, trong điều kiện dịch bệnh được kiểm soát, ngành du lịch khởi sắc và nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, doanh thu của Vietravel Airlines tăng tiếp lên 1.314 tỷ đồng, tương đương mức tăng 65% so với cùng kỳ năm trước.

Hãng bay cũng tìm ra giải pháp giảm tải các chi phí liên quan, giúp khoản lỗ ròng được kiểm soát còn 405,7 tỷ đồng, thấp hơn 150 tỷ đồng so với năm 2022. Dường như Vietravel Airlines đã thoát ra khỏi tình cảnh “càng làm càng lỗ” và tiến gần hơn đến cánh cửa của sự lạc quan.

Sang năm 2024, gió đã đảo chiều cho hãng hàng không của đại gia Nguyễn Quốc Kỳ, khi doanh nghiệp tự tin “khoe” doanh thu quý I đạt 491 tỷ đồng, tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái. Ấn tượng hơn, lần đầu tiên sau 3 năm đi vào khai thác, họ đã có lãi liên tiếp 3 tháng với trên 10 tỷ đồng.

“Thừa thắng xông lên”, Vietravel Airlines đặt mục tiêu kinh doanh quý II “bùng nổ” với doanh thu dự kiến đạt 1.049 tỷ đồng. Đồng thời, đi ngược lại số đông, Vietravel Airlines kiên định với phương án mở rộng quy mô thị trường, khiến một số hãng cạnh tranh đang lựa chọn phương án tạm ngưng hoạt động hoặc thu hẹp hoạt động sản xuất phải trầm trồ thán phục.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, cuối năm 2023 Vietravel Airlines đã rơi vào trạng thái “mất sạch” vốn chủ sở hữu. Khoản thua lỗ tích tụ gần 1.500 tỷ đồng đã “đánh bay” 1.300 tỷ đồng vốn góp cổ đông, làm vốn chủ sở hữu âm hơn 103 tỷ đồng, tại ngày 31/12/2023.

Trong khi đó, khối nợ cần thanh toán cho đối tác, khách hàng, tổ chức tín dụng vẫn dồn ứ, đẩy dầy thêm từ 612 tỷ đồng (2022) lên 1.186 tỷ đồng (2023). Với mức tăng gần gấp đôi sau 1 năm, ban lãnh đạo Vietravel Airlines rõ ràng cần xây dựng kế hoạch trả nợ cụ thể cũng như các phương án trù bị bảo đảm dòng tiền được thông suốt, tránh tình trạng ách tắc thanh khoản tạo nên nguồn cơn cho sự khủng hoảng về thanh toán.

Rất mong Vietravel Airlines sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn, thách thức, dành thắng lợi trên con đường lập nghiệp!

Hoa Đông (theo Công thương)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin liên quan