Quang cảnh Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc. Ảnh minh hoạ |
Việc đưa ra hình thức kỷ luật này của Giáo hội Phật giáo cũng là để thực hiện nghiêm Thông tư 206/2020/TT-HĐTS (ngày 19/9/2020) của Ban thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam hướng dẫn việc sinh hoạt của tăng ni, trong đó có việc sinh hoạt trên không gian mạng.
Theo đó, tăng ni được quyền sử dụng không gian mạng để nâng cao kiến thức, tu học, nghiên cứu, tương tác, chia sẻ thông tin, phát huy tính mẫu mực đạo đức, lối sống của người xuất gia với các pháp lữ và tín đồ, cư sĩ Phật tử.
“Tăng ni sử dụng không gian mạng không được thực hiện các hành vi: Phê phán pháp môn khác, tạo mâu thuẫn trong truyền thống tu học của Phật giáo Việt Nam, thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, xuyên tạc lịch sử Phật giáo Việt Nam và tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chia sẻ cảm xúc và hình ảnh cá nhân, tương tác và các hành vi khác không phù hợp với giáo pháp…“, Thông tư 206/2020/TT-HĐTS cũng quy định.
Thuyết pháp được Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê định nghĩa là giảng giáo lý cho tín đồ trong những dịp nào đó. Cũng như nhiều tôn giáo khác, việc thuyết pháp thông qua việc giảng là hoạt động không thể thiếu trong sinh hoạt Phật giáo. Những bài giảng đó không chỉ là kiến thức học thuật, giáo giới mà còn là những hướng dẫn thực tế về cách sống an lạc, biểu lộ lòng từ bi và tình yêu thương đối với cuộc sống. Đồng thời còn mang lại niềm vui và sự bình yên trong cuộc sống, trở thành nguồn lực để Phật tử thực hành thiền hàng ngày.
Bởi vậy nó đòi hỏi vị thuyết pháp không chỉ có sự thông thái mà còn cần đến trí tuệ để sự thông thái lan toả, đi được vào cuộc sống một cách lành mạnh, chân chính. Việc thuyết pháp hướng đến đông đảo đối tượng bởi vậy càng không thể tuỳ tiện diễn dịch, “chế tác” hoặc thậm chí lồng các quan điểm, điểm nhìn xa lạ, ảnh hưởng nghiêm trọng tới Phật giáo, ảnh hưởng tới việc nỗ lực tu tập để tịnh hóa ba nghiệp thân, khẩu, ý một cách thực sự ở mỗi phật tử, mỗi tăng, ni.
Nhiều chuyên gia về tôn giáo có chung nhận định, việc xử lý kỷ luật của Giáo hội Phật giáo Việt Nam với một số tăng ni trong đó có Thượng toạ Thích Chân Quang và Đại đức Thích Nhuận Đức là cần thiết và kịp thời để giảm thiểu việc tuỳ tiện, nhiễu loạn trong thuyết pháp để việc thuyết pháp đi đúng giáo lý nhà Phật, không tạo dư địa ảnh hưởng đến nhận thức của Phật tử, người dân cũng như không để các đối tượng xấu, các đối tượng thù địch lợi dụng công kích, hạ thấp uy tín của Giáo hội, tăng ni; gây mất đoàn kết xã hội và tôn giáo.
Một số chuyên gia đề xuất từ việc kỷ luật như trên cho thấy cần có những quy định chặt chẽ hơn cho công tác thuyết giảng để không tiếp diễn những tiền lệ mang tính tuỳ tiện như đã xảy ra.