9H CẬP NHẬT: Tọa đàm Nâng cao năng lực quản trị an ninh phi truyền thống trong kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam
ANCOFI – Sáng 21/11, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Nâng cao năng lực quản trị an ninh phi truyền thống trong kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam trước những thách thức toàn cầu” với sự tham gia của các Giáo sư, Tiến sĩ, chuyên gia, học giả nghiên cứu về lĩnh vực này nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của toàn xã hội, các cấp, các ngành, đặc biệt là cấp cán bộ lãnh đạo quản lý của cả khu vực công và khu vực tư trong việc đảm bảo an ninh phi truyền thống.
Cục diện thế giới và hai khu vực của chúng ta đang trải qua những thay đổi sâu sắc mang tính thời đại. Nhìn chung, tình hình thế giới về tổng thể thì hòa bình, nhưng cục bộ có chiến tranh; về tổng thể thì hòa hoãn, nhưng cục bộ có căng thẳng; về tổng thể thì ổn định, nhưng cục bộ có xung đột. Đặc biệt, các thách thức an ninh phi truyền thống (ANPTT) như biến đổi khí hậu, già hóa dân số, thiên tai, an ninh mạng, an ninh nguồn nước… tác động đến mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Bên cạnh mối đe dọa về quân sự, là sự tồn tại và xuất hiện nhiều yếu tố mới đe dọa an ninh con người và an ninh quốc gia như: thảm họa thiên nhiên, động đất, sóng thần, bão lũ, dịch bệnh, hạn hán, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên; khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm công nghệ cao, những vấn đề tài chính, an ninh năng lượng, an ninh lương thực… luôn là mối hiểm họa đe dọa cuộc sống con người, đồng thời là thử thách khả năng điều hành của các Chính phủ.
Nguy cơ ANPTT nổi lên với ý nghĩa vừa là mối đe dọa chung đối với toàn nhân loại, vừa là phương tiện nhiều quốc gia lợi dụng để làm suy yếu an ninh của nhau.
Mối đe dọa ANPTT ngày càng đa dạng và phức tạp, tốc độ và phạm vi ảnh hưởng ngày càng nhanh chóng, trực tiếp, đa chiều đến mọi mặt đời sống xã hội. Đây cũng là quan tâm của Đảng, Nhà nước ta. Gần đây nhất, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu trong thẩm định pháp luật, xây dựng văn bản pháp luật, tuyệt đối không để xảy ra lợi ích nhóm, tác động pháp luật, để lọt, đánh giá không toàn diện yếu tố an ninh gây tác động tiêu cực đến lợi ích chung, lợi ích quốc gia, quyền lợi của người dân. Thủ tướng Phạm Minh Chính tại các diễn đàn trong nước và quốc tế cũng nhiều lần đề cập sâu sắc tới tác động của các yếu tố an ninh phi truyền thống tới cục diện thế giới, các nước, trong đó Việt Nam.
Trước những vấn đề đặt ra ở trên, cho thấy cần phải nâng cao nhận thức và trách nhiệm của toàn xã hội, các cấp, các ngành, đặc biệt là cấp cán bộ lãnh đạo quản lý của cả khu vực công và khu vực tư trong việc đảm bảo an ninh phi truyền thống. Tại buổi Tọa đàm hôm nay với chủ đề “Nâng cao năng lực quản trị an ninh phi truyền thống trong kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam trước những thách thức toàn cầu“ do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức với sự tham gia của các Giáo sư, Tiến sĩ, chuyên gia, học giả nghiên cứu về lĩnh vực này sẽ cùng đi sâu phân tích, đánh giá và luận bàn.
Các vị khách mời tham dự Tọa đàm có:
– Trung tướng, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Yêm, Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống, Trường Quản trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội
– Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Đình Phi, Hiệu trưởng Trường Quản trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội
– Đại tá TS Đỗ Tiến Thùy, Phó Giám đốc Công an tỉnh Tuyên Quang
– Ông Nguyễn Văn Sự, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam Petrolimex
– Ông Lưu Văn Vinh, chuyên gia An ninh kinh tế, nguyên Phó Trưởng phòng An ninh Kinh tế, Công an thành phố Hải Phòng
Trước hết, để độc giả có cái nhìn khái quát nhất về chủ đề chúng ta đang bàn, xin được đặt câu hỏi đầu tiên: Thế nào là các vấn đề an ninh phi truyền thống? An ninh phi truyền thống khác với “an ninh truyền thống” như thế nào? Và “quản trị an ninh phi truyền thống” là gì?
GS.TS. Nguyễn Xuân Yêm: Hiện nay đã xuất hiện rất nhiều vấn đề an ninh mà chúng ta gọi là an ninh phi truyền thống (ANPTT). Đây là những vấn đề an ninh hình thành dựa trên những tác động, nguy cơ phi quân sự, ví dụ như biến đổi khí hậu, an ninh mạng, an ninh lương thực, an ninh môi trường, nguồn nước…
ANPTT thực chất là sự nối dài của an ninh quốc gia, của an ninh truyền thống và cấu thành thêm tổng thể của an ninh quốc gia trong điều kiện hiện nay. Ví dụ trong năm 2024, chúng ta đã chứng kiến rất nhiều nguy cơ ANPTT mà gần đây nhất là thiên tai, bão lũ, vấn đề môi trường, an ninh nguồn nước xảy ra trong tháng 9 liên quan đến cơn bão YAGI đi qua các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Tuyên Quang, Yên Bái và nhiều địa phương khác. Chúng ta cũng chứng kiến rất nhiều cuộc tấn công mạng rất dữ dội nhằm vào các tập đoàn kinh tế lớn của chúng ta như PV Oil, Vinadirec, Tổng công ty VNPost của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam. Ngoài ra còn rất nhiều vấn đề an ninh khác. Tất cả những vấn đề an ninh như thế này đòi hỏi Đảng và Nhà nước cũng như các cấp, các ngành phải đặc biệt quan tâm trong điều kiện đất nước ta chuẩn bị bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
PGS.TS. Hoàng Đình Phi: Trải qua nhiều năm nghiên cứu và phát triển của Trường Đại học kỹ thuật quản trị ANPTT cùng với Viện ANPTT và của nhiều giáo sư đầu ngành của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, chúng tôi kết luận rằng: Quản trị ANPTT là công việc của những chủ thể, những người được luật pháp yêu cầu, ủy quyền trong việc thực hiện trách nhiệm, nhiệm vụ của mình, trong việc nghiên cứu, tổ chức nghiên cứu, hoàn thành lãnh đạo, chỉ đạo thực thi các chính sách, nghị quyết, chiến lược, kế hoạch và hành động để quản trị tốt tất cả rủi ro phi thuyền thống để đảm bảo rằng rủi ro ấy không trở thành khủng hoảng và góp phần giữ vững, đảm bảo an toàn, sự ổn định, sự phát triển bền vững của cá nhân, của gia đình, cộng đồng, tổ chức, doanh nghiệp và trên hết cả là của quốc gia.
Trong bối cảnh thế giới và khu vực hiện nay, các chuyên gia đánh giá và nhận diện như thế nào về các thách thức ANPTT đang nổi lên? Ảnh hưởng của chúng đối với Việt Nam?
GS.TS. Nguyễn Xuân Yêm: Những nguy cơ đe doạ an ninh phi truyền thống trên thế giới xuất hiện ở Việt Nam rất nhiều. Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy có khoảng 30 nguy cơ đe doạ an ninh phi truyền thống đã, đang và sẽ tiếp tục nổi lên thời kỳ hiện nay. Trong đó có 5 nguy cơ đang nổi lên mà chúng ta phải lưu tâm:
Thứ nhất, vấn đề tội phạm xuyên quốc gia. Đây là vấn đề xuất hiện ở Việt Nam và nổi lên rất mạnh trong thời gian gần đây như tội phạm ma tuý xuyên quốc gia, mua bán người xuyên quốc gia, tội phạm kinh tế xuyên quốc gia.
Thứ hai, an ninh kinh tế của Việt Nam. Nguy cơ chệch hướng phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa làm giảm tăng trưởng kinh tế, rơi vào bẫy thu nhập trung bình kể cả tại các địa phương, thành phố có mức tăng kinh tế lớn. Vấn đề nợ công của Nhà nước, địa phương, tội phạm vi phạm về kinh tế, nguy cơ đe doạ an ninh tài chính, an ninh doanh nghiệp.
Thứ ba, an ninh môi trường, an ninh nguồn nước. Đây là vấn đề gắn liền với biến đổi khí hậu, thảm hoạ thiên nhiên mà chúng ta vừa chứng kiến một ví dụ là cơn bão Yagi vừa qua.
Thứ tư, an ninh y tế, an ninh sức khoẻ liên quan đến an toàn của các cơ sở y tế, an ninh dân số, già hoá dân số, mất cân bằng giới tính, an toàn thực phẩm…
Thứ năm, các nguy cơ đe doạ về an ninh mạng và an ninh mạng xã hội. Đây là một trong những loại tội phạm tăng trưởng nhanh nhất trong các loại tội phạm của Việt Nam.
Như chúng ta thấy trong thời kỳ đại dịch COVID-19, Nhà nước đã tổng kết đại dịch làm thiệt hại tới 500.000 tỷ đồng. Và trong cơn bão Yagi vừa rồi, tỉnh Yên Bái thu nhập cả tỉnh 2023 đạt 4.100 tỷ đồng nhưng chỉ sau 1 tuần bão lũ, sạt lở… tỉnh Yên Bái đã thiệt hại tới 4.600 tỷ đồng, làm giảm sự phát triển bền vững về kinh tế xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh quốc phòng của đất nước.
Đại tá TS. Đỗ Tiến Thùy: Như GS. TS. Nguyễn Xuân Yêm đã chia sẻ, Tuyên Quang cũng đối mặt với 5 nguy cơ, thách thức an ninh phi truyền thống trước mắt cũng như trong tương lai.
Cơn bão YAGI đổ bộ vào các tỉnh phía bắc (tháng 9/2024) đã cho thấy nguy cơ về an ninh nguồn nước, rủi ro về môi trường rất rõ ràng. Trong cơn bão đó, Tuyên Quang cũng là một trong những tỉnh đối diện với ngập lụt, mưa lớn diện rộng và lần đầu tiên Thủy điện Tuyên Quang phải mở cả 8 cửa xả. Cùng với việc xả lũ, mưa lớn cũng như dòng chảy dồn về, Tuyên Quang bị ngập lụt trên diện rộng, tác động nặng nề đến tài sản, tính mạng người dân, hoạt động sản xuất, môi trường. Sau đợt bão lũ, đã có 5 người chết, 6 người bị thương, nhà cửa sập đổ, hoa màu thiệt hại; sau khi nước lũ rút, nguy cơ về bệnh tật, y tế, môi trường hiện hữu rất rõ… Giả sử trong lúc bão lũ, bắt buộc phải xử lý phá đập tràn chủ động hồ thủy điện Thác Bà thì không khác gì một “quả bom nước” trút xuống Tuyên Quang và nguy cơ thiệt hại rất lớn, thậm chí cuốn trôi thành quả phát triển của địa phương nhiều năm qua. Điều đó cho thấy chúng ta phải có biện pháp chủ động xử lý, phòng ngừa các thách thức, nguy cơ an ninh phi truyền thống từ sớm, từ xa.
Các vị khách mời cũng đã phân tích một số nguy cơ đe dọa ANPTT đã và đang diễn ra ở nước ta, ở phạm vi quốc gia, ở các địa phương. Vậy để đất nước vững vàng bước vào kỷ nguyên vươn mình chúng ta phải làm gì trước các nguy cơ đe dọa này?
PGS.TS. Hoàng Đình Phi: Theo quá trình nghiên cứu, chúng tôi xác định rằng rất may mắn là đất nước ta có truyền thống tuyệt vời trong lĩnh vực chủ động phòng ngừa, ứng phó với các mối nguy rủi do, đe dọa an ninh quốc gia. Chúng ta đã tích hợp chương trình đào tạo liên quốc phòng vào các cấp giáo dục, đào tạo từ thấp đến cao. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh là nâng cao năng lực quản trị quốc gia, trong đó chắc chắn có năng lực quản trị ANPTT cũng như an ninh truyền thống, hai lĩnh vực của an ninh quốc gia.
Một số giải pháp lớn mà chúng tôi nghiên cứu, trao đổi với nhau cũng như đã và đang đề xuất với lãnh đạo Đảng và Nhà nước gồm:
Thứ nhất là phải tăng cường công tác truyền thông để tất cả các cấp, các bộ ngành từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là các tổ chức, doanh nghiệp, những đơn vị cơ sở, nơi có thể xuất phát rủi ro lớn, nguy cơ lớn, từ những đốm lửa nhỏ cháy thành đốm lửa lớn đe dọa ANPTT của cá nhân, của con người, cộng đồng, của tổ chức, doanh nghiệp và hơn cả là an ninh quốc gia. Điều đầu tiên là tuyên truyền và hôm nay cũng là một buổi truyền thông rất tuyệt vời.
Thứ hai là không có lý luận sắc bén, không có cơ sở khoa học chắc chắn thì không thể nào truyền thông được, chúng ta không thể có nền tàng lý luận để ban hành các nghị quyết, chính sách, các chiến lược, các kế hoạch, hành động, các đề tài, dự án để chủ động phòng ngừa rủi ro, ứng phó với các mối nguy để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân, tổ chức, doanh nghiệp và hơn cả là an ninh kinh tế, an ninh quốc gia. Chúng ta phải có những chương trình nghiên cứu bài bản từ Trung ương đến địa phương. Tôi rất vui mừng rằng Viện An ninh truyền thống đã được Nhà nước đồng ý chủ trương sẽ triển khai chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp nhà nước về ANPTT trong 10 năm tới.
Bên cạnh đó, quản lý khoa học, công nghệ hiện nay của Việt Nam, ví dụ như tôi đang làm đề tài về an ninh nguồn nước sông của lưu vực sông thì phải mất vài chục tỷ đồng với vài chục phó giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia và khoảng 10 năm mới ra được bộ công cụ để quản trị một dòng sông. Thế thì Việt Nam cần bao nhiêu nghìn tỷ, mấy chục năm? Do đó chúng ta phải đổi mới căn bản tổ chức và cách quản trị thực sự phát triển, chủ động, khoa học theo đặt hàng của Nhà nước nhưng phải nhanh, hiệu quả, vận dụng được, tích hợp được để các nhà lãnh đạo ban hành các chính sách, chiến lược một cách hiệu quả, hiệu lực.
Cách mạng thành công không thể thiếu lực lượng mà lực lượng ở đây là những người được học tập bài bản, có đạo đức, có phẩm chất, có quyết tâm bảo vệ con người, bảo vệ quốc gia. Chúng ta phải đào tạo đội ngũ cán bộ từ Trung ương đến địa phương thấm nhuần nghị quyết, quan điểm của Đảng về ANPTT và đặc biệt là phải học kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng để có thể tham gia, tham mưu, chủ động thực hiện chiến lược, kế hoạch, phòng ngừa rủi ro, không để rủi ro đến chúng ta mới ứng phó.
Qua chia sẻ của các khách mời về vấn đề nhận diện và quản trị rủi ro, như đại diện phía Petrolimex cũng nhấn mạnh, chúng ta có thể đề xuất ra những phương án, giải pháp nào để có thể làm sâu công tác này, thưa ông Nguyễn Văn Sự?
Ông Nguyễn Văn Sự: Đối với những doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, những sự cố về cháy nổ, xăng dầu… nếu kiểm soát không tốt sẽ gây mất an toàn và ảnh hưởng rất lớn. Từ những tình huống như vậy trong quá trình quản trị chúng tôi quan tâm đến 3 yếu tố:
Thứ nhất là hệ thống cơ sở vật chấ,t vì biến đổi khí hậu tác động hay những sự cố mất an toàn tại kho, cảng… đều ảnh hưởng đến xăng dầu. Vì vậy trong quá trình đầu tư chúng tôi cố gắng đầu tư những công nghệ hiện đại nhất phù hợp với quy hoạch. Công nghệ phải hiện đại để trong mọi tình huống chúng ta có thể tránh được rủi ro xảy ra. Ví dụ, vừa qua bão Yagi gây ảnh hưởng lớn tại Hải Phòng và Quảng Ninh nhưng rất may mắn cầu tàu của Petrolimex và những cầu xuất nhập đương đầu với gió bão cấp 12-13 vẫn không bị ảnh hưởng, bảo đảm nguồn cung thông suốt.
Thứ hai, bên cạnh hệ thống cơ sở vật chất được đầu tư bài bản, thông suốt từ kho, cảng đến cửa hàng xăng dầu, chúng tôi rất quan tâm đến đào tạo nguồn nhân lực, trong đó bao gồm cả nhận thức, tư duy, trình độ, đi từ thực tiễn, có những chương trình đào tạo bài bản, chuyên sâu. Chúng ta phải làm chủ, bình tĩnh ứng phó trước mọi tình huống, dự báo từ an toàn thông tin, an toàn phòng chống cháy nổ…
Thứ ba là các thể chế, quy định hiện nay phải cụ thể và nhận thức về vấn đề này xuyên suốt từ lãnh đạo cao nhất đến người lao động; phải có quy chế kiểm tra, kiểm soát, thực hiện tốt sẽ khen thưởng, vi phạm sẽ khiển trách, phê bình và có những hình thức xử lý phù hợp.
Như vậy, cả hệ thống trên dưới một lòng cùng với hệ thống cơ sở vật chất tốt, hiện đại, với tổ hợp của 3 yếu tố này như kiềng 3 chân sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp ứng phó với những rủi ro có thể xảy ra.
Được biết, năm nay là tròn 10 năm Trường Quản trị kinh doanh (tiền thân là Khoa Quản trị kinh doanh), Đại học Quốc gia Hà Nội nghiên cứu, đào tạo ngành Quản trị An ninh phi truyền thống (MNS) và từ năm 2019 đã mở chuyên ngành cử nhân Quản trị và An ninh với hai chuyên ngành sâu là An ninh mạng và Công nghệ số – kinh doanh số.
Cũng từ năm 2019 Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường đã thành lập Viện An ninh phi truyền thống – cơ quan công lập đầu tiên của Việt Nam nghiên cứu về lĩnh vực rất quan trọng này. Trường đã đào tạo thành công nhiều lãnh đạo hiện đang nắm giữ vị trí quan trọng trong cả khu vực công và khu vực tư. Viện An ninh phi truyền thống đã triển khai thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học – thực tiễn đồng thời tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng kiến thức quản trị an ninh và quản trị an ninh phi truyền thống giành cho cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp, các tập đoàn, tổng công ty, được các cơ quan trung ương, địa phương đánh giá cao. Với tư cách là những nhà nghiên cứu, nhà giáo đang làm việc và giảng dạy tại trường, tại Viện, xin các thầy cho biết cụ thể những đóng góp cả về nghiên cứu, đào tạo, hợp tác (hợp tác quốc tế) và chuyển giao (chuyển giao tri thức) của Trường, cũng như đội ngũ giảng viên đối với lĩnh vực này cho đất nước!
PGS.TS. Hoàng Đình Phi: Trường Quản trị kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội là một đơn vị rất đặc biệt tại Việt Nam và trên thế giới. Trường có Viện An ninh Phi truyền thống do Trung tướng GS.TS. Nguyễn Xuân Yêm làm Viện trưởng, nơi hội tụ rất nhiều tài năng trong lĩnh vực an ninh quốc phòng, khoa học công nghệ, quản trị, luật, kinh tế; rất nhiều chuyên gia, giáo sư chuyên ngành làm việc ở đây.
Theo nhận xét của nhiều chuyên gia, đây là Trường đầu tiên trên thế giới kết hợp giữa nghiên cứu khoa học với đào tạo chuyển giao tri thức cho các cấp, các ngành, các địa phương và các doanh nghiệp. Từ năm 2013, nhà trường đã mở chương trình đào tạo thạc sĩ về an ninh phi truyền thống và đến nay có hơn 500 thạc sĩ quản trị an ninh phi truyền thống và họ đang làm việc ở rất nhiều cơ quan, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp.
Chương trình đào tạo quản trị và an ninh của Trường với 2 lĩnh vực rất chuyên sâu là an ninh mạng; công nghệ số và an ninh số. Sắp tới, trường tiếp tục triển khai chương trình cử nhân quản trị an ninh phi truyền thống để ưu tiên đối tượng đầu vào là các chiến sĩ đã hết nghĩa vụ ngành công an, quân đội được học chương trình chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế, có cơ hội vừa học tập, vừa được thực hành và trải nghiệm vận dụng tất cả kiến thức khoa học an ninh phi truyền thống và khoa học liên ngành vào việc lãnh đạo, chỉ đạo điều hành về an ninh phi truyền thống trong thực tiễn.
Hành trình này gắn liền với những nghiên cứu rất cơ bản và trong một năm qua Viện với Trường là đơn vị tiên phong trên thế giới khi đưa ra những từ rất mới như “quản trị an ninh phi truyền thống”, “an ninh công nghệ”, “an ninh thương hiệu”, “an ninh doanh nghiệp”… những kiến thức đó đã và đang được chuyển giao cho rất nhiều đơn vị đào tạo ở Việt Nam cũng như chuyển giao qua các tạp chí trong nước, quốc tế.
Như vậy, chúng tôi tự hào đã và đang có những đóng góp trong hành trình rất mới, rất gian nan, nhưng đầy thú vị và là niềm tự hào, ý nghĩa đối với an ninh cá nhân, an ninh tổ chức, an ninh doanh nghiệp, an ninh quốc gia trong nghiên cứu khoa học, đào tạo và chuyển giao tri thức trong lĩnh vực quản trị an ninh phi truyền thống.
Liên quan đến nội dung câu hỏi này, chúng tôi rất mong được lắng nghe thêm ý kiến từ GS.TS. Nguyễn Xuân Yêm?
GS.TS. Nguyễn Xuân Yêm: An ninh phi truyền thống khác với an ninh truyền thống ở trọng tâm là việc nhận diện và quản trị các rủi ro không chỉ ở cấp độ cá nhân, gia đình, mà còn mở rộng đến cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, địa phương, và quốc gia. Đây là một thách thức toàn diện, đòi hỏi sự phối hợp đa chiều để đưa ra các giải pháp phòng ngừa và ứng phó hiệu quả.
Vào cuối năm 2019, nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này, sáng kiến xây dựng các giải pháp ứng phó với an ninh phi truyền thống đã được khởi xướng bởi tôi và thầy Hoàng Đình Phi, cùng với sự tham gia của một nhóm chuyên gia, bao gồm các nhà khoa học và quản lý. Trong đó, có sự góp mặt của thầy Nguyễn Kim Sơn, khi ấy là Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, nay là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đồng chí Phạm Minh Chính, thời điểm đó là Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng, nay là Thủ tướng Chính phủ, cũng đã có những đóng góp và định hướng quan trọng cho sáng kiến này.
Đại tướng, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, khi đó là Bộ trưởng Bộ Công an, đồng thời là Ủy viên Bộ Chính trị, đã có sáng kiến thành lập Viện An ninh Phi truyền thống. Đây là viện nghiên cứu đầu tiên tại Việt Nam, và có thể nói là duy nhất trên thế giới, chuyên sâu về lĩnh vực an ninh phi truyền thống. Viện này trực thuộc Trường Quản trị kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội, và được thành lập cách đây 5 năm.
Trong khoảng thời gian hoạt động, dù còn mới mẻ, Viện đã đạt được một số thành tựu đáng chú ý. Dù các nghiên cứu vẫn đang trong giai đoạn bước đầu, chúng tôi nhận thấy có hai điểm nổi bật mà Viện đã thực hiện được, góp phần đặt nền tảng cho việc nghiên cứu và ứng phó với các thách thức về an ninh phi truyền thống.
Thứ nhất, Viện đã góp phần phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong việc nhận diện các nguy cơ đe dọa an ninh phi truyền thống. Đặc biệt, những nguy cơ đang nổi lên không chỉ ở phạm vi quốc gia mà còn tại 63 tỉnh, thành phố, cùng với các cơ quan và doanh nghiệp. Đây là nhiệm vụ quan trọng nhằm đánh giá và đề xuất giải pháp ứng phó kịp thời với các thách thức mới trong bối cảnh an ninh phi truyền thống ngày càng phức tạp.
Hoạt động này gắn liền với hơn 20 đề tài nghiên cứu mà Viện đang triển khai. Một ví dụ điển hình là đề tài về đảm bảo an ninh môi trường biển tại thành phố Hải Phòng, dự kiến sẽ được nghiệm thu vào sáng mai. Đề tài này cũng gắn kết với những vấn đề mà chuyên gia kinh tế Lưu Văn Vinh đã đề cập trước đó, cho thấy tính thực tiễn và tầm quan trọng của các nghiên cứu mà Viện đang thực hiện.
Vấn đề thứ hai là góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống. Chúng tôi đã tổ chức nhiều khóa học dành cho cán bộ quản lý tại các cơ quan, tổ chức. Các lớp học này thường được đánh giá rất cao. Anh em chúng tôi vẫn nói vui rằng, đây có lẽ là lớp học duy nhất về quản trị an ninh phi truyền thống mà toàn bộ lãnh đạo của một tỉnh, thành phố sẵn sàng dành hẳn một tuần để tham gia học tập.
Ngày 28/11 tới, chúng tôi sẽ phối hợp với Tỉnh ủy Bến Tre tổ chức lớp học dành riêng cho đội ngũ lãnh đạo của tỉnh. Ngoài ra, trong tháng 12, còn có 5 tỉnh, thành phố khác sẽ phối hợp với Viện triển khai các khóa học tương tự, bao gồm Tỉnh ủy Bắc Ninh, Tỉnh ủy Đắk Nông, Tỉnh ủy Cà Mau, và Tỉnh ủy Kiên Giang. Những khóa học này không chỉ nâng cao năng lực quản trị rủi ro an ninh phi truyền thống mà còn góp phần quan trọng trong việc xây dựng đội ngũ lãnh đạo có tư duy chiến lược, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
Một vấn đề nữa mà chúng tôi rất mong muốn là đẩy mạnh việc nhận diện và đề xuất các giải pháp phòng ngừa, ứng phó trước các nguy cơ đe dọa an ninh phi truyền thống. Điều này bao gồm xây dựng các kế hoạch, phương án khung để đối phó hiệu quả với những thách thức ngày càng phức tạp trong lĩnh vực này.
Chúng tôi kỳ vọng Nhà nước, mà trực tiếp là Bộ Khoa học và Công nghệ, sẽ quan tâm và triển khai một chương trình khoa học trọng điểm cấp quốc gia về an ninh phi truyền thống. Chương trình này không chỉ tạo cơ sở khoa học vững chắc để nghiên cứu sâu hơn, mà còn thúc đẩy việc xây dựng các chính sách, chiến lược mang tính bền vững, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia và sự phát triển ổn định trong bối cảnh mới.
Đây là nguy cơ rất lớn, và chúng ta khó có thể phát triển bền vững nếu không nhận diện, phòng ngừa và ứng phó hiệu quả với các nguy cơ đe dọa an ninh phi truyền thống. Như tôi đã đề cập, tác hại của các nguy cơ này là vô cùng nghiêm trọng. Ví dụ, chỉ trong một tuần, một sự cố có thể khiến tỉnh Yên Bái mất đi toàn bộ thành quả đạt được trong suốt một năm. Điều này cho thấy, nếu không hành động kịp thời, đất nước chúng ta sẽ phải trả giá rất đắt.
Chính vì vậy, chúng tôi mong muốn Chính phủ sớm phê duyệt một chương trình tổng thể quốc gia về phòng ngừa và ứng phó các nguy cơ đe dọa an ninh phi truyền thống. Thủ tướng Phạm Minh Chính hiện đang tích cực chỉ đạo Bộ Công an cùng các bộ, ngành liên quan xây dựng chương trình này.
Ngoài ra, một vấn đề quan trọng khác là cần tập trung vào đào tạo nguồn nhân lực và đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Việc nâng cao nhận thức và năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ là yếu tố then chốt để ứng phó hiệu quả với những thách thức mới trong bối cảnh an ninh phi truyền thống ngày càng phức tạp.
Hiện nay, vấn đề an ninh phi truyền thống ở Việt Nam đang được triển khai ở nhiều nơi, với mỗi bộ, ngành chịu trách nhiệm một lĩnh vực riêng lẻ. Điều này dẫn đến sự phân tán và thiếu kết nối trong công tác quản lý và ứng phó. Trong khoa học, có thuật ngữ “hiệu ứng cánh bướm” để chỉ những tác động nhỏ có thể gây ra những hệ quả lớn nếu không được giải quyết khéo léo. Đối với an ninh phi truyền thống, một sự cố nhỏ nếu không được xử lý kịp thời có thể bùng phát, trở thành vấn đề nghiêm trọng đe dọa an ninh quốc gia.
Vì vậy, cần có một chiến lược tổng thể và đồng bộ để nâng cao năng lực quản lý an ninh phi truyền thống. Điều này bao gồm công tác đào tạo, tập huấn và đẩy mạnh tuyên truyền. Chúng tôi cho rằng kiến thức về an ninh phi truyền thống cần được phổ cập đến toàn dân, dựa trên phương châm “ba sẵn sàng, bốn tại chỗ” – bài học kinh nghiệm quý báu của cha ông chúng ta, nhấn mạnh rằng “nước xa không cứu được lửa gần.” Những kinh nghiệm hay cần được tổng kết và nhân rộng để tạo thành mạng lưới ứng phó hiệu quả.
Cuối cùng, Việt Nam không thể tự mình giải quyết các thách thức an ninh phi truyền thống mà cần tăng cường hợp tác quốc tế, đồng thời đẩy mạnh sự phối hợp giữa các bộ, ban, ngành trong nước. Chỉ khi có sự hợp lực ở cả cấp độ quốc gia và quốc tế, chúng ta mới có thể chủ động ứng phó với các nguy cơ đang ngày càng phức tạp và khó lường.
Tóm lại, an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống, tuy là hai lĩnh vực khác nhau, nhưng thực chất là một thể thống nhất. Cả hai cùng hướng đến mục tiêu chung là đảm bảo an ninh quốc gia và thúc đẩy sự phát triển bền vững.
Những phân tích, đánh giá của các vị khách mời tại Tọa đàm một lần nữa khẳng định tính cấp thiết trong việc nâng cao nhận thức và trách nhiệm toàn xã hội cũng như năng lực quản trị ANPTT của các cấp, các ngành, địa phương, các cấp lãnh đạo quản lý trước tính chất nguy hiểm của các mối đe dọa ANPTT, không chỉ biểu hiện ở mức độ hủy hoại, sự tàn phá của nó đối với cuộc sống của con người, mà còn đặt ra nhiều thách thức đối với sự ổn định xã hội, sự tồn vong của cả cộng đồng; ảnh hưởng đến hiệu quả hợp tác và hội nhập toàn cầu; thậm chí còn làm nảy sinh các vấn đề về an ninh quân sự.
Chúng tôi xin được trân trọng cảm ơn các kiến nghị, đề xuất hết sức thiết thực, có tính khả thi cao của các vị khách mời nhằm nâng cao hơn nữa năng lực quản trị an ninh phi truyền thống trong bối cảnh trong nước và thế giới đang có nhiều biến động phức tạp, khó lường, để góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ chế độ, giữ vững hòa bình, ổn định chính trị và an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc./.
Theo chinhphu.vn