Tổng Bí thư Tô Lâm và tư duy lý luận mới về kinh tế tư nhân
ANCOFI – Bài viết “Động lực mới cho phát triển kinh tế” của Tổng Bí thư Tô Lâm, đăng trên các cơ quan báo chí ngày 11/5/2025, có thể xem là một cột mốc quan trọng trong tư duy lý luận và thực tiễn phát triển kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn mới.

Cụ thể hóa Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, mở rộng tư duy khi kết hợp nền tảng chủ nghĩa Mác – Lê-nin với thực tiễn, khẳng định phát triển khu vực tư nhân là con đường phù hợp để xây dựng CNXH. Đồng thời, bài viết đề xuất loạt giải pháp cải cách thể chế đột phá, dựa trên kinh nghiệm từ Trung Quốc, Nga và Việt Nam. Từ đó, Tổng Bí thư nhấn mạnh: muốn phát triển bền vững, Việt Nam cần tư duy mới – tư duy chính là động lực đưa đất nước vươn tới giàu mạnh, thịnh vượng.
Tính chính danh lý luận cho kinh tế tư nhân
Mang đến một góc nhìn đột phá khi khẳng định tính chính danh lý luận của kinh tế tư nhân trong tiến trình xây dựng CNXH. Dẫn lại tư tưởng của Lê-nin trong Chính sách Kinh tế mới (NEP), Tổng Bí thư cho thấy rõ rằng kinh tế tư nhân, nếu được đặt trong khuôn khổ thể chế phù hợp và kiểm soát quyền lực hiệu quả.
Không chỉ không đi ngược lại CNXH mà còn thúc đẩy mạnh mẽ quá trình này thông qua tăng trưởng và đổi mới. Đây là bước tiến quan trọng trong tư duy lý luận, góp phần xóa bỏ định kiến lịch sử, đồng thời củng cố nền tảng cho chính sách phát triển kinh tế tư nhân hiện nay.
Phương tiện hữu hiệu để hiện thực hóa mục tiêu CNXH
Bài viết của Tổng Bí thư không chỉ làm sáng rõ nền tảng lý luận, mà còn nhấn mạnh vai trò then chốt của kinh tế tư nhân trong hiện thực hóa mục tiêu CNXH: một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Với hơn 51% GDP và 82% việc làm đến từ khu vực tư nhân, đây chính là động lực thực tiễn để thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm và đảm bảo phúc lợi xã hội.
Tổng Bí thư khẳng định, Đảng và Nhà nước không đứng ngoài cuộc, mà cần chủ động thiết kế không gian phát triển và kiến tạo hệ sinh thái công bằng – nơi kinh tế tư nhân được khơi thông, bảo vệ và đồng hành trong quá trình xây dựng CNXH.

Soi chiếu thực tiễn
Khi Tổng Bí thư đặt tư duy lý luận trong mối liên hệ với các thực tiễn nổi bật. Trung Quốc là minh chứng rõ nét: kinh tế tư nhân chiếm hơn 60% GDP, tạo ra phần lớn đổi mới sáng tạo và việc làm tại đô thị, góp phần vào sự bứt phá kinh tế ngoạn mục suốt hơn 40 năm. Tại Nga, sau thời kỳ kế hoạch hóa cứng nhắc, sở hữu tư nhân được tái khẳng định như yếu tố sống còn để phục hồi và hội nhập.
Còn ở Việt Nam, chính từ khi tháo gỡ rào cản về tư duy thị trường, khu vực tư nhân mới bứt phá, trở thành động lực chủ lực của tăng trưởng. Qua những dẫn chứng thuyết phục này, bài viết củng cố mạnh mẽ tính tất yếu và cấp thiết của cải cách thể chế và phát triển kinh tế tư nhân.
Bước đột phá từ tư duy cải cách
Bài viết của Tổng Bí thư không chỉ khẳng định tư duy mới về phát triển kinh tế tư nhân mà còn đề xuất loạt giải pháp hành động mạnh mẽ, vượt xa phạm vi Nghị quyết 68-NQ/TW. Từ việc kiến nghị ban hành Luật Phát triển kinh tế tư nhân đến đề xuất thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia do Thủ tướng đứng đầu, những đề xuất này thể hiện quyết tâm chính trị cao và cam kết cải cách rõ ràng.
Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh xây dựng đội ngũ doanh nhân dân tộc có khát vọng, có văn hóa và trách nhiệm xã hội – một góc nhìn nhân văn, vượt ra ngoài mục tiêu tăng trưởng thuần túy. Bài viết đưa ra hệ thống giải pháp cải cách thể chế toàn diện: đảm bảo cạnh tranh công bằng, bảo vệ quyền tài sản, cải cách thủ tục hành chính, phát triển đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Đây là một văn kiện có chiều sâu lý luận và tính hành động cao, nơi “tư duy mới” chính là chìa khóa mở ra “động lực mới” để đưa Việt Nam vững bước vào giai đoạn phát triển hiện đại, bền vững và đầy bản sắc.
Nguyễn Sĩ Dũng
Theo xaydungchinhsach.chinhphu.vn