Nhãn hiệu âm thanh: đối tượng và điều kiện bảo hộ

PLNews – Trong thời đại công nghệ và sáng tạo không ngừng, nhãn hiệu không còn giới hạn ở hình ảnh, chữ viết hay biểu tượng mà đã mở rộng sang những dạng nhãn hiệu phi truyền thống như âm thanh, màu sắc, mùi hương. Từ năm 2023, nhãn hiệu âm thanh chính thức được Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam công nhận là đối tượng được bảo hộ. Vậy nhãn hiệu âm thanh là gì? Điều kiện để được bảo hộ ra sao? Cùng Ancofi tìm hiểu nhé!

Nhãn hiệu âm thanh là gì?

Nhãn hiệu âm thanh là một dấu hiệu được thể hiện bằng âm thanh có khả năng nhận biết và phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu này với chủ thể khác. Âm thanh có thể là một đoạn nhạc, giai điệu, tiếng động, hiệu ứng âm thanh… mà khi người tiêu dùng nghe thấy, họ có thể liên tưởng ngay đến một thương hiệu cụ thể.

Từ cuối thế kỷ 20, nhãn hiệu âm thanh đã được sử dụng và chấp nhận bảo hộ ở nhiều quốc gia. Một số nhãn hiệu âm thanh đã được bảo hộ và sử dụng rộng rãi như tiếng gầm của sư tử cho dịch vụ giải trí truyền hình của hãng MGM (Mỹ), tiếng chuông điện thoại mặc định của hãng NOKIA (Phần Lan), tiếng sấm rền của hãng mô tô Harley – Davidson (Mỹ) hoặc bốn nốt nhạc lên bổng xuống trầm của hãng HISAMITSU (Nhật Bản)…

Ở Việt Nam, nhãn hiệu âm thanh đã chính thức được công nhận là đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp kể từ khi Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 (có hiệu lực từ 1/1/2023).

Đối tượng bảo hộ

Trong lĩnh vực nhãn hiệu âm thanh, đối tượng được bảo hộ bao gồm những dấu hiệu âm thanh có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân này với tổ chức, cá nhân khác. Cụ thể:

1. Âm thanh có thể nhận biết và phân biệt

  • Là âm thanh độc đáo, có tính phân biệt cao, người tiêu dùng khi nghe có thể liên tưởng ngay đến một thương hiệu cụ thể.
  • Ví dụ: Giai điệu đặc trưng, hiệu ứng âm thanh đặc biệt, tiếng nhạc chuông, tiếng động cụ thể…

2. Âm thanh thể hiện được bằng phương tiện kỹ thuật

Để được bảo hộ, âm thanh phải thể hiện dưới hai hình thức sau:

Tệp âm thanh kỹ thuật số

  • Các định dạng như: .mp3, .wav, .wma…
  • Phải là âm thanh nguyên bản, rõ ràng, không bị méo hoặc gây hiểu lầm.

Mô tả âm thanh bằng văn bản hoặc ký hiệu âm nhạc

  • Có thể dùng khuông nhạc, nốt nhạc nếu là giai điệu.
  • Nếu không phải nhạc (như tiếng động), cần mô tả bằng lời rõ ràng về cách phát ra, cao độ, nhịp điệu, thời lượng…

3. Âm thanh gắn với hàng hóa/dịch vụ cụ thể

  • Âm thanh phải gắn với sản phẩm hoặc dịch vụ nhất định mà doanh nghiệp muốn bảo hộ.
  • Ví dụ: Giai điệu mở đầu một ứng dụng, nhạc hiệu trong quảng cáo, âm thanh khởi động xe hơi…

4. Những âm thanh không được bảo hộ gồm:

  • Âm thanh mô tả chức năng, đặc tính kỹ thuật của sản phẩm (như tiếng động cơ xe).
  • Âm thanh thiếu khả năng phân biệt, mang tính phổ thông hoặc đã quá quen thuộc với công chúng.
  • Âm thanh vi phạm đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục.
  • Âm thanh giống hoặc gây nhầm lẫn với âm hiệu của cơ quan nhà nước, cảnh báo khẩn cấp…
  • Âm thanh xâm phạm quyền tác giả hoặc đã được đăng ký bởi chủ thể khác. 

Điều kiện bảo hộ

Để một âm thanh được bảo hộ dưới dạng nhãn hiệu, phải đáp ứng các điều kiện sau:

1. Có khả năng phân biệt

Tính phân biệt hay còn gọi là khả năng phân biệt của nhãn hiệu là nội dung trọng tâm trong pháp luật về nhãn hiệu của tất cả các nước, là vấn đề cốt lõi được xem xét đến trong quá trình thẩm định nhãn hiệu.

Âm thanh phải đủ đặc trưng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ với những sản phẩm, dịch vụ khác trên thị trường. Không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với nhãn hiệu âm thanh đã đăng ký trước đó.

2. Thể hiện rõ ràng và chính xác

Âm thanh cần được thể hiện dưới dạng:

  • Tệp âm thanh kỹ thuật số (định dạng MP3, WAV…).
  • Mô tả âm thanh bằng ký hiệu âm nhạc hoặc văn bản mô tả, đủ để người khác có thể xác định nội dung âm thanh.

3. Không vi phạm quy định cấm

  • Không vi phạm thuần phong mỹ tục, đạo đức xã hội.
  • Không xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của bên thứ ba (ví dụ: bản quyền âm nhạc).
  • Không gây nhầm lẫn với tín hiệu cảnh báo, âm thanh báo động.

Kết luận

Trong bối cảnh thương hiệu ngày càng cạnh tranh khốc liệt, việc bảo hộ nhãn hiệu âm thanh là xu thế tất yếu để tạo nên dấu ấn riêng biệt trên thị trường. Nếu bạn đang sở hữu một âm thanh sáng tạo, mang tính nhận diện cao – hãy liên hệ với ANCOFI – Viện chống gian lận thương mại và hàng giả để  nhanh chóng đăng ký bảo vệ tài sản trí tuệ của mình. 

Kim Ngân

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin liên quan