Nghị quyết 68: Mở không gian mới cho doanh nghiệp tư nhân

ANCOFI – Nghị quyết 68 xuất hiện như cú hích thể chế nhằm tháo gỡ triệt để các điểm nghẽn cũ, đồng thời mở ra không gian phát triển mới cho doanh nghiệp tư nhân.

Nhân sự kiện này, đã phỏng vấn TS. Nguyễn Thị Thu Hường (Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải) để làm rõ nội dung và tác động của Nghị quyết đối với kinh tế tư nhân và nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

Cú hích thể chế mang tính lịch sử

Nguyễn Thị Thu Hường đánh giá Nghị quyết 68-NQ/TW là cột mốc đột phá trong tư duy phát triển kinh tế khi lần đầu tiên xác định kinh tế tư nhân là “một trong những động lực quan trọng nhất” thay vì chỉ là một thành phần kinh tế. Nghị quyết đưa ra hệ thống giải pháp toàn diện như hoàn thiện thể chế, mở rộng tiếp cận vốn, đất đai, công nghệ, mà còn đặc biệt nhấn mạnh việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng tầm tinh thần doanh nhân.

TS Nguyễn Thị Thu Hường, Phó Trưởng Bộ môn, phụ trách Bộ môn Logistics, Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải. Ảnh: NVCC

Đáng chú ý, Nghị quyết được ban hành trong bối cảnh khu vực kinh tế tư nhân chiếm hơn 43% GDP, tạo ra hơn 85% việc làm ngoài nhà nước, nhưng đa số vẫn là doanh nghiệp nhỏ và vừa (98%), còn gặp khó khăn về vốn, thủ tục hành chính và khả năng cạnh tranh. Vì vậy, Nghị quyết 68 được xem là “cú hích thể chế” mạnh mẽ, nhằm tháo gỡ điểm nghẽn cũ và mở ra dư địa phát triển mới.

Điểm đột phá lớn nhất, theo TS. Hường, chính là thay đổi trong tư duy quản lý nhà nước – chuyển từ “quản lý, giám sát” sang “kiến tạo, hỗ trợ, đồng hành”. Nhà nước cam kết bảo vệ quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh theo Hiến pháp, khẳng định nguyên tắc xử lý vi phạm bằng biện pháp hành chính – kinh tế – dân sự, chỉ hình sự hóa các hành vi vi phạm nghiêm trọng.

Mở rộng tiếp cận nguồn lực

Nguyễn Thị Thu Hường nhận định, mục tiêu Nghị quyết 68 đặt ra – có 2 triệu doanh nghiệp tư nhân hoạt động hiệu quả vào năm 2030 và ít nhất 3 triệu vào năm 2045 – hoàn toàn khả thi nếu Việt Nam tạo dựng được các động lực chiến lược: từ thể chế hóa và số hóa lĩnh vực đất đai, tín dụng, đầu tư công, đến đổi mới phương thức cho vay dựa trên dòng tiền và thúc đẩy các kênh gọi vốn mới. Đồng thời, tăng cường liên kết giữa khối tư nhân với doanh nghiệp FDI, nhà nước, hình thành hệ sinh thái chuỗi giá trị vững mạnh.

Nghị quyết 68-NQ/TW nêu rõ kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia. Ảnh minh họa

Khi được hỏi về tinh thần cốt lõi của Nghị quyết 68, TS. Hường chọn từ khóa “giải phóng”. Đó là giải phóng tư duy – xóa bỏ định kiến giữa các thành phần kinh tế; giải phóng nguồn lực – khơi thông hàng triệu tỷ đồng trong dân; và giải phóng niềm tin – giúp doanh nghiệp yên tâm phát triển dài hạn trong một môi trường chính sách ổn định, minh bạch.

Theo bà, Nghị quyết 68 không chỉ trao quyền, mà còn khơi dậy khát vọng vươn lên, khẳng định rằng kinh tế tư nhân chính là bạn đồng hành cùng quốc gia trên hành trình kiến tạo tương lai.

Thanh Bình

Theo congthuong.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin liên quan