Định hướng bố trí cán bộ, công chức, viên chức cấp xã sau sắp xếp
ANCOFI – Hiện nay, việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Điện Biên đang tiến hành theo đúng lộ trình đề ra. Từ việc xác định phương án sắp xếp đến xử lý bài toán nhân sự đang được các cấp, các ngành tập trung thực hiện một cách bài bản, khoa học với quyết tâm chính trị cao nhất.
Khẩn trương xây dựng phương án sắp xếp nhân sự xã, phường
Thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy Điện Biên về Đề án chấm dứt hoạt động cấp huyện và tiến hành sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã gắn với kiện toàn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, hiện nay các địa phương trong tỉnh đang tập trung chỉ đạo, triển khai nghiêm túc, hiệu quả, đúng quy định và tiến độ các nhiệm vụ được giao. Mục tiêu là bảo đảm bộ máy chính quyền tại các xã, phường mới được tổ chức tinh gọn, vận hành thông suốt, hiệu quả, gần dân, sát dân và phục vụ nhân dân một cách tốt nhất.
Đặc biệt, công tác xây dựng phương án nhân sự cấp xã đang được các địa phương tiến hành khẩn trương nhưng cẩn trọng, bảo đảm đúng quy trình, phù hợp với các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Trình Quy định tạm thời tiêu chuẩn cán bộ cấp xã trong tháng 5/2025
Ban Tổ chức Tỉnh ủy Điện Biên đang tích cực hoàn thiện Quy định tạm thời về tiêu chuẩn chức danh cán bộ cấp xã, kèm theo danh mục các chức danh, chức vụ nhằm làm cơ sở bố trí đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý trong giai đoạn sắp xếp đơn vị hành chính.
Dự thảo đã được lấy ý kiến rộng rãi từ các đồng chí trong Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cơ quan, đơn vị, địa phương. Dự kiến, quy định sẽ được trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành ngay trong tháng 5/2025. Đây sẽ là căn cứ quan trọng để tỉnh triển khai bố trí nhân sự, đảm bảo bộ máy cấp xã mới hoạt động thông suốt, hiệu quả ngay khi có quyết định chính thức.
Dự kiến tổng số biên chế bố trí cho khối chính quyền cấp xã là 1.440 biên chế
Hiện Trung ương chưa có quy định cụ thể về định mức biên chế cấp xã, tuy nhiên theo hướng dẫn tạm thời, tỉnh Điện Biên dự kiến bố trí khoảng 15–17 biên chế chuyên trách công tác Đảng tại mỗi xã, phường, tùy theo số lượng đảng viên. Riêng các xã, phường đặt trụ sở trung tâm chính trị huyện, thành phố có thể lên đến 20 biên chế.
Với khối chính quyền, định hướng của Chính phủ xác định bình quân mỗi xã có 32 biên chế. Trên cơ sở đó, tỉnh dự kiến phân bổ tổng cộng 1.440 biên chế cho 45 xã, phường sau sắp xếp. Việc bố trí được tính toán linh hoạt theo diện tích, dân số, đặc thù từng địa phương và có thể tăng thêm biên chế trong một số trường hợp đặc biệt như xã biên giới, xã phức tạp về an ninh trật tự hoặc xã, phường hình thành từ sáp nhập.
Tổng biên chế sau điều chỉnh không vượt quá định mức chung và đảm bảo phù hợp để bộ máy cấp xã hoạt động hiệu quả, ổn định trong giai đoạn 5 năm tới.
Điện Biên chủ động chuyển giao biên chế, đảm bảo xã, phường mới vận hành hiệu quả ngay khi thành lập
Nhằm đảm bảo các đảng ủy xã, phường mới có thể hoạt động ngay sau khi thành lập, tỉnh Điện Biên sẽ tạm thời chuyển 100% biên chế hiện có của cấp huyện xuống cấp xã. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp huyện hiện nay sẽ giữ vai trò nòng cốt trong bộ máy chính trị cấp xã mới.
Song song đó, tỉnh cũng triển khai kế hoạch sắp xếp, đào tạo và bố trí đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã hiện có, đảm bảo đạt chuẩn để đáp ứng yêu cầu công việc trong giai đoạn chuyển tiếp. Sau khi bộ máy xã, phường đi vào hoạt động ổn định, tỉnh sẽ căn cứ vào điều kiện thực tế của từng địa phương để giao biên chế hàng năm phù hợp.
Ngoài ra, tỉnh đặc biệt quan tâm đến chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bị ảnh hưởng trong quá trình tinh gọn bộ máy. Việc này sẽ được thực hiện theo Nghị định 178/2024/NĐ-CP và Nghị định 67/2025/NĐ-CP của Chính phủ, bắt đầu từ ngày 1/7/2025 khi chính thức kết thúc hoạt động đơn vị hành chính cấp huyện.
Theo xaydungchinhsach.chinhphu.vn