Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 15 luật, 1 pháp lệnh vừa được thông qua
ANCOFI – Sáng 3/7, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật, pháp lệnh đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV thông qua.

Ông Phạm Thanh Hà – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước – chủ trì Họp báo – Ảnh: VGP/Đức Tuân
Các luật, pháp lệnh này đều có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025, bao gồm:
1/ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND;
2/ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự;
3/ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự,
4/ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân;
5/ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật:
6/ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở;
7/ Luật Cán bộ, công chức;
8/ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam;
9/ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính;
10/ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật về quân sự, quốc phòng;
11/ Luật Thanh tra;
12/ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Hải quan, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý sử dụng tài sản công;
13/ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tổ tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án;
14/ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân;
15/ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp;
16/ Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu biển, Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu bay, Pháp lệnh Trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, Pháp lệnh Trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân và Pháp lệnh Chi phí tố tụng.
Đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân nhằm thực hiện chủ trương về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của các cơ quan trong hệ thống chính trị.
Thượng tướng Lê Quốc Hùng – Thứ trưởng Bộ Công an – thông tin tại họp báo – Ảnh: VGP/Đức Tuân
Nội dung của Luật tập trung sửa đổi các quy định liên quan đến việc tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình 2 cấp; điều chỉnh giảm thời gian thực hiện một số bước trong quy trình bầu cử để có thể tiến hành bầu cử sớm vào ngày 15/3/2026 và sửa đổi để kịp thời khắc phục một số vướng mắc trong công tác bầu cử. Các nội dung sửa đổi, bổ sung bảo đảm đồng bộ, thống nhất với việc sửa đổi Hiến pháp, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các luật về tổ chức bộ máy có liên quan.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật về quân sự, quốc phòng (Luật Quốc phòng, Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Biên phòng Việt Nam, Luật Phòng không nhân dân, Luật Lực lượng dự bị động viên, Luật Phòng thủ dân sự, Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, Luật Dân quân tự vệ, Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh) có 12 điều. Đáng chú ý, về Luật Quốc phòng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản tại 3 điều với một số nội dung như: Xác định xây dựng phòng thủ khu vực, xây dựng cấp xã làm nền tảng để bảo vệ địa phương; thẩm quyền của UBND cấp tỉnh ban bố lệnh giới nghiêm tại một hoặc một số địa phương cấp xã; UBND cấp xã ban bố lệnh giới nghiêm tại một hoặc một số khu vực trên địa bàn quản lý.
Giảm tối đa tình trạng vốn ảo, tăng cường tính minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp gồm 3 điều; tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý về thành lập, tổ chức và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp; thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư vào sản xuất kinh doanh; góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn và minh bạch. Luật sửa đổi một số quy định để tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, địa phương công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, đặc biệt là việc “hậu kiểm” nhằm giảm tối đa tình trạng vốn ảo, vốn khống, tăng cường tính minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Hải quan, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật quản lý, sử dụng tài sản công, gồm 10 điều; nhằm thực hiện chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đối số; sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước; đẩy mạnh hỗ trợ, phân cấp, phân quyền và cải cách thủ tục hành chính về đầu tư, tài chính, ngân sách; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông, sử dụng hiệu quả nguồn lực cho phát triển kinh tế, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, tập trung sửa đổi, bổ sung một số điều của 4 Luật có liên quan trực tiếp đến vị trí, vai trò, chức năng, quyền và trách nhiệm, tổ chức bộ máy và nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội, các hội quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ; trong đó thể hiện rõ mối quan hệ “trực thuộc” Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các nguyên tắc hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì. Luật bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các luật khác có liên quan đến quyền, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội, các tổ chức thành viên khác của Mặt trận.
Chính thức bỏ giáng chức, không quy định hạ bậc lương là hình thức xử lý kỷ luật với cán bộ, công chức
Luật Cán bộ, Công chức năm 2025 gồm 7 chương, 45 điều; nhằm thực hiện chủ trương của Đảng về tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, gắn với yêu cầu tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, góp phần xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, tập trung quản lý phát triển để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
Luật hoàn thiện quy định về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, lược bỏ hình thức kỷ luật giáng chức với công chức lãnh đạo, quản lý, không quy định hạ bậc lương là 1 hình thức xử lý kỷ luật.
Bổ sung mức tiền phạt tối đa trong một số lĩnh vực mới
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính gồm 3 điều và bổ sung mới 2 điều. Về một số nội dung lớn, cơ bản, Luật sửa đổi, bổ sung quy định về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính; bổ sung quy định về xử lý vi phạm hành chính trên môi trường điện tử; bổ sung mức tiền phạt tối đa trong một số lĩnh vực mới; sửa đổi, bổ sung các quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính; sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm đơn giản hóa thủ tục xử phạt. Đồng thời, Luật cũng quy định về việc xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong trường hợp không xác định được người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp của tang vật, phương tiện.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tú thông tin tại họp báo – Ảnh: VGP/Đức Tuân
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật gồm 3 điều. Việc sửa đổi, bổ sung Luật để bảo đảm thống nhất với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các luật khác có liên quan; yêu cầu thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo động lực cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam gồm 3 điều. Luật đã nới lỏng điều kiện liên quan đến việc nhập quốc tịch Việt Nam nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các trường hợp có cha đẻ hoặc mẹ đẻ hoặc ông nội và bà nội hoặc ông ngoại và bà ngoại là công dân Việt Nam; nhà đầu tư, nhà khoa học, chuyên gia nước ngoài… được nhập quốc tịch Việt Nam. Đồng thời, nới lỏng điều kiện liên quan đến việc trở lại quốc tịch Việt Nam nhằm tạo điều kiện cho các trường hợp đã mất quốc tịch Việt Nam được trở lại quốc tịch Việt Nam.
Tăng gấp đôi hình phạt tiền với 24 tội danh
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự gồm 2 điều; nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý để bảo đảm phù hợp với tên gọi, thẩm quyền, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự và các cơ quan có liên quan theo phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; bảo đảm giải quyết kịp thời một số vấn đề cấp bách phát sinh từ thực tiễn đã được tổng kết, chỉ rõ và được cấp có thẩm quyền kết luận, yêu cầu sửa đổi.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự gồm 4 điều.
Luật bỏ hình phạt tử hình tại 8 tội danh (Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 109); Tội gián điệp (Điều 110); Tội phá hoại cơ sở vật chất – kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 114); Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 194); Tội vận chuyển trái phép chất ma tuý (Điều 250); Tội tham ô tài sản (Điều 353); Tội nhận hối lộ (Điều 354); Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (Điều 421).
Riêng đối với Tội tham ô tài sản và Tội nhận hối lộ, sau khi bỏ hình phạt tử hình, nhằm bảo đảm thu hồi tài sản do phạm tội mà có, đồng thời khuyến khích người phạm tội tích cực khai báo trong quá trình giải quyết vụ án, Luật đã sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 1 Điều 63 theo hướng: “Người bị kết án tù chung thân về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ chỉ có thể được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt khi đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và đã hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn”.
Bên cạnh đó, Luật nâng gấp 2 lần hình phạt tiền đối với 24 tội danh, tập trung vào nhóm tội về hàng giả, môi trường, an toàn thực phẩm, tham nhũng.
Ngoài ra, Luật còn tăng mức phạt tù tại 8 điều luật trong Bộ luật Hình sự hiện hành, tập trung vào các nhóm tội về môi trường, ma túy, an toàn thực phẩm.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, gồm 6 điều; nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý về thẩm quyền của Tòa án trong hoạt động tố tụng, bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng về sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
Quan điểm xây dựng dự án Luật là, thể chế hóa, thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của Tòa án nhân dân nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân các cấp; bảo đảm tuân thủ Hiến pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật; bảo đảm quyền con người, quyền công dân.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Hồ Sỹ Hùng giới thiệu nội dung mới của Luật Doanh nghiệp – Ảnh VGP/Đức Tuân
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân gồm 2 điều. Việc xây dựng Luật nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý về tổ chức bộ máy của Viện Kiểm sát nhân dân bảo đảm phù hợp với việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo 3 cấp là Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân khu vực theo chủ trương của Đảng và bảo đảm thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.
Luật Thanh tra (sửa đổi) gồm 9 chương, 64 điều; nhằm thực hiện các kết luận, chỉ đạo của Trung ương về sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra, lược bỏ các quy định về Thanh tra Bộ, Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ, cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ, Thanh tra sở, Thanh tra huyện, tổ chức và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Thực hiện chủ trương phân cấp, phân quyền trong hoạt động thanh tra, Luật chỉ quy định các nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Các nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ được quy định tại Nghị định như: Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm thanh tra viên; xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra; sửa đổi, bổ sung kế hoạch tiến hành thanh tra…
Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu biển; Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu bay; Pháp lệnh Trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng; Pháp lệnh Trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân; Pháp lệnh Chi phí tố tụng, gồm 7 điều. Việc xây dựng dự án Pháp lệnh nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật về thẩm quyền của Tòa án nhân dân và các cơ quan trong hoạt động tố tụng theo mô hình tổ chức mới, bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng về sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
Đức Tuân (theo Chinhphu)