Hàng Việt bứt tốc nhờ làn sóng mở chuỗi bán lẻ hiện đại
ANCOFI – Ngày 12/5, báo chí đã đưa nhiều thông tin liên quan đến ngành Công Thương. Báo Công Thương xin điểm lại một số thông tin đáng chú ý.
Lĩnh vực năng lượng
Trao đổi với Tạp chí Kinh tế – Tài chính về việc giá điện tăng thêm 4,8% từ ngày 10/5/2025, TS. Lê Quốc Phương – nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) – nhận định, giá điện tác động trực tiếp đến mọi ngành kinh tế và đời sống người dân, khiến chi phí sản xuất tăng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) leo thang, từ đó ảnh hưởng đến mục tiêu kiềm chế lạm phát. Theo tính toán, điện tăng 5% có thể khiến CPI tăng thêm 0,17%.
Phương nhấn mạnh, điều chỉnh giá điện là cần thiết nhưng phải có lộ trình hợp lý để tránh tạo áp lực lớn lên doanh nghiệp và người dân. Các biện pháp tiết kiệm điện cần được triển khai đồng bộ, trong khi ngành điện cần tối ưu hóa vận hành, giảm chi phí và ưu tiên sử dụng nguồn điện giá rẻ. Ông cũng cảnh báo nguy cơ “té nước theo mưa” trong việc tăng giá hàng hóa, kêu gọi các cơ quan quản lý kiểm soát giá chặt chẽ. Ngoài ra, truyền thông cần minh bạch, kịp thời và Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ hợp lý cho các hộ nghèo, hộ chính sách để giảm thiểu tác động tiêu cực từ đợt tăng giá điện lần này.
Lĩnh vực xuất nhập khẩu
Theo Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), trong tháng 4/2025, Việt Nam xuất khẩu 26.590 tấn hồ tiêu, thu về hơn 184 triệu USD – tăng 1,3% về lượng và 58% về trị giá so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, tiêu đen chiếm 23.271 tấn, tiêu trắng 3.319 tấn.
Lĩnh vực thị trường trong nước
Các “ông lớn” bán lẻ như WinCommerce, Thế giới Di động, Saigon Co.op… đang tăng tốc mở rộng hệ thống cửa hàng tiện lợi về tận vùng nông thôn, mở ra cơ hội lớn để hàng Việt phủ sóng sâu rộng hơn thị trường nội địa.
Dù kênh bán lẻ hiện đại mới chiếm hơn 22% doanh thu, phần lớn thị phần vẫn thuộc về chợ truyền thống, tạp hóa và đại lý. Việc đầu tư mạnh vào hệ thống bán lẻ hiện đại được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sức mua nội địa và tạo cầu nối tiêu thụ hiệu quả cho hàng Việt, đặc biệt tại các vùng chưa được khai thác triệt để.

Lĩnh vực công nghiệp
Bộ Công Thương vừa kiến nghị Thủ tướng cho phép điều chỉnh Quy hoạch khoáng sản theo trình tự rút gọn, sau khi 46 tỉnh, thành – trong đó có Lâm Đồng – phản ánh vướng mắc trong triển khai. Nguyên nhân chủ yếu do quy hoạch khoáng sản đang chồng lấn với các quy hoạch khác như sử dụng đất, lâm nghiệp, năng lượng… khiến nhiều dự án bị đình trệ, ảnh hưởng phát triển kinh tế – xã hội địa phương. Bộ Công Thương đề xuất áp dụng trình tự rút gọn theo Điều 54a Luật Quy hoạch để tháo gỡ nhanh các mâu thuẫn và đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Lĩnh vực phòng vệ thương mại
Trước áp lực gia tăng từ các cuộc điều tra phòng vệ thương mại, doanh nghiệp Việt cần chủ động nâng cao năng lực, đa dạng hóa thị trường – sản phẩm và phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng. Việc minh bạch nguồn gốc, rõ ràng tỷ lệ giá trị gia tăng nội địa và áp dụng chuẩn kế toán quốc tế là chìa khóa để bảo vệ lợi ích xuất khẩu.
Theo congthuong.vn