Tuân thủ CBAM: Con đường hướng tới xuất khẩu xanh vào thị trường EU

ANCOFI – Để duy trì và mở rộng thị phần tại thị trường EU, việc tuân thủ các quy định mới như cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) là điều tất yếu. CBAM không chỉ yêu cầu minh bạch về lượng phát thải carbon trong quá trình sản xuất mà còn đòi hỏi các doanh nghiệp phải áp dụng công nghệ sạch và quy trình sản xuất thân thiện với môi trường.

Bà Hồ Thị Quyên, Phó Giám đốc ITPC. Ảnh: VGP/Lê Anh

Doanh nghiệp Việt trước thách thức CBAM: Cơ hội vươn ra thị trường EU xanh
Chiều 7/5 tại TP.HCM, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) cùng Tiểu ban Tăng trưởng xanh thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu đã tổ chức hội nghị “Tuân thủ CBAM: Con đường hướng tới xuất khẩu xanh vào thị trường châu Âu”.

Tại sự kiện, bà Hồ Thị Quyên – Phó Giám đốc ITPC – nhấn mạnh: Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU là thách thức không nhỏ, nhưng đồng thời mở ra cơ hội để doanh nghiệp Việt nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng tới sản xuất sạch và phát triển bền vững.

CBAM đòi hỏi sự minh bạch về lượng khí thải carbon và áp dụng công nghệ thân thiện môi trường – điều kiện bắt buộc nếu doanh nghiệp muốn tiếp tục chinh phục thị trường EU.

Theo số liệu quý I/2025, xuất khẩu sang EU đạt 13,7 tỷ USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước – cho thấy EU vẫn là thị trường tiềm năng lớn, nơi mà “xanh hóa” sản xuất sẽ là chìa khóa để doanh nghiệp Việt khẳng định vị thế.

Tuân thủ CBAM – Giúp DN xuất khẩu Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh

Theo bà Đỗ Thị Hồng Duyên – Phó Chủ tịch Tiểu ban Tăng trưởng xanh thuộc EuroCham – Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) là một phần cốt lõi trong Thỏa thuận xanh của EU. Từ tháng 1/2026, EU sẽ yêu cầu các nhà nhập khẩu khai báo lượng khí thải carbon với các mặt hàng như thép, xi măng, nhôm và phân bón. Đây là chiến lược trọng yếu trong thương mại quốc tế.

Dù việc chuyển đổi sang sản xuất xanh không dễ dàng, đặc biệt với các ngành công nghiệp phát thải cao, bà Duyên nhận định: những doanh nghiệp chủ động và tiên phong sẽ có cơ hội vươn lên mạnh mẽ trong cuộc chơi toàn cầu về môi trường và thương mại. Các chuyên gia cũng cảnh báo rằng việc tuân thủ CBAM không chỉ là trách nhiệm quản lý nhà nước, mà cần sự chủ động cao từ phía doanh nghiệp. 

Bà Đỗ Thị Hồng Duyên, Phó Chủ tịch Tiểu ban tăng trưởng xanh thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu EuroCham (GGSC). Ảnh: VGP/Lê Anh

TS. Nguyễn Phương Nam – Tổng Giám đốc Klinova – nhấn mạnh: thách thức lớn nhất là minh bạch dữ liệu phát thải và tăng sức cạnh tranh bằng việc giảm cường độ khí thải trong sản phẩm. Ông khuyến nghị các doanh nghiệp Việt cần bắt tay ngay vào việc kiểm kê phát thải, lên chiến lược giảm nhẹ hiệu quả, như sử dụng năng lượng tái tạo và cải tiến công nghệ – nếu không muốn bị bỏ lại phía sau trong làn sóng thương mại xanh toàn cầu.

Lê Anh

Theo tphcm.chinhphu.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin liên quan