Chính sách mới của Singapore trong quản lý cây trồng biến đổi gen làm thực phẩm

ANCOFI – Singapore là quốc gia có hệ thống văn bản quản lý và tiêu chuẩn cao, khắt khe đối với các hàng nhập khẩu, doanh nghiệp Việt Nam cần theo dõi, kịp thời nắm bắt.

Thương vụ Việt Nam tại Singapore cho biết, thị trường Singapore là quốc gia có hệ thống văn bản quản lý và tiêu chuẩn cao, trong thời gian tới đây, nước này sẽ tiếp tục điều chỉnh một số chính sách mới.

Thứ nhất là về khuôn khổ quản lý tiêu thụ côn trùng làm thực phẩm tại Singapore.

Cơ quan Quản lý Thực phẩm Singapore (SFA) đã xây dựng khuôn khổ quản lý việc nhập khẩu và sử dụng côn trùng và các sản phẩm từ côn trùng làm thực phẩm với các hướng dẫn cụ thể đối với đối tượng này. Theo đó, kể từ ngày 8/7/2024, SFA cho phép nhập khẩu côn trùng và sản phẩm côn trùng thuộc các loài đã được đánh giá có mức độ quan ngại thấp. Các loài côn trùng và sản phẩm từ côn trùng này có thể được sử dụng để làm thực phẩm cho con người hoặc làm thức ăn chăn nuôi.

Khuôn khổ trên có 2 Phụ lục bao gồm: Danh sách các loài côn trùng được chấp thuận an toàn cho con người sử dụng và Tóm tắt các hướng dẫn nhập khẩu cụ thể, tùy thuộc vào hình thức côn trùng và sản phẩm côn trung nhập khẩu, mục đích sử dụng của chúng. Việc nhập khẩu côn trùng và sản phẩm từ côn trùng được chấp thuận phải thông qua nhà nhập khẩu Singapore đã được đăng ký cấp phép, đồng thời, các nhà cung cấp, các cơ sở chế biến nước ngoài đối với mặt hàng này cũng phải được nhà nhập khẩu đăng ký với cơ quan có thẩm quyền.

Chính sách mới của Singapore trong quản lý cây trồng biến đổi gen làm thực phẩm
Singapore hoàn tất tham vấn cộng đồng về Khuôn khổ quản lý việc sử dụng cây trồng biến đổi gen làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi. Ảnh minh họa

Thứ hai, Singapore hoàn tất tham vấn cộng đồng về Khuôn khổ quản lý việc sử dụng cây trồng biến đổi gen làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi.

Từ ngày 20/12/2023 đến ngày 19/2/2024, SFA đã khởi xướng tham vấn cộng đồng về Khuôn khổ quản lý việc sử dụng cây trồng biến đổi gen làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi. Nội dung tham vấn tập trung vào 02 lộ trình đánh giá cây trồng biến đổi gen có hoặc không có chứa DNA ngoại lai và hướng dẫn đánh giá, phê duyệt và tra cứu thông tin về loại cây trồng biến đổi gen đã được SFA thông qua.

Sau khi kết thúc hoạt động tham vấn theo lịch trình đã đưa ra, SFA đã nhận được 11 ý kiến phản hồi và cũng đưa ra phản hồi của mình về tài liệu tham vấn. Các ý kiến chủ yếu tập trung vào tính phù hợp để phân loại các loại cây trồng biến đổi gen hiện tại, những loại được phát triển và sẽ được phát triển trong tương lai (đoạn 9 – 11 của tài liệu); và tính phù hợp của Danh sách kiểm tra thông tin (đoạn 12 và Phụ lục I) đối với việc xác định xem một loại cây trồng biến đổi gen có tương đương với một loại cây trồng được lai tạo theo phương pháp thông thường hay không.

Dự kiến Khuôn khổ quản lý việc sử dụng cây trồng biến đổi gen làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi này sẽ được hoàn tất, sửa đổi và dự kiến có hiệu lực vào quý III năm 2024.

Hiện tại, ở nhiều quốc gia, trong đó có Singapore, chưa có một hành lang pháp lý quy định đầy đủ về việc sử dụng các loại cây trồng biến đổi gen để làm thực phẩm cho con người và/hoặc làm thức ăn cho động vật. Do vậy, có thể nói đây là nội dung khá mới và nhạy cảm, cần có sự quan tâm của nhiều cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp.

Thứ ba, Singapore đang lấy ý kiến cộng đồng về việc xem xét điều chỉnh tiêu chuẩn kỹ thuật cho dây cáp cách điện.

Ngày 2/8/2024, Cơ quan quản lý doanh nghiệp Singapore (ESG) đã khởi động lấy ý kiến cộng đồng về việc xem xét điều chỉnh tiêu chuẩn kỹ thuật cho dây cáp cách điện Polyvinyl Chorua có điện áp định mức lên đến và bao gồm 450/750 V (được nêu tại Tiêu chuẩn Singapore SS358, áp dụng từ năm 2019). Việc lấy ý kiến này sẽ kết thúc vào ngày 03/9/2024.

Có 2 nội dung của SS358 được đưa ra lấy ý kiến gồm:

Phần 3: Cáp không có vỏ bọc cho dây cố định (SS 358-3:2019) (Sửa đổi tiêu chuẩn IEC 60227-3:1993+A1:1997).

Tiêu chuẩn này nêu chi tiết các thông số kỹ thuật cụ thể cho cáp lõi đơn không có vỏ bọc cách điện Polyvinyl Clorua cho hệ thống dây cố định có điện áp định mức lên đến và bao gồm 450/750 V. (Tham khảo tiêu chuẩn hiện hành theo link: Singapore Standards (singaporestandardseshop.sg)).

Phần 5: Cáp mềm (dây) (SS 358-5:2019) (Giống như tiêu chuẩn IEC 60227-5:2011).

Tiêu chuẩn này nêu chi tiết các thông số kỹ thuật cụ thể cho cáp mềm (dây) cách điện polyvinyl clorua có điện áp định mức lên đến và bao gồm 300/500 V (Tham khảo tiêu chuẩn hiện hành theo link: Singapore Standards (singaporestandardseshop.sg)).

Các tiêu chuẩn này áp dụng cho các công ty kiểm tra, kiểm định, các nhà cung cấp và các nhà máy sản xuất cáp điện, các nhà thầu xây dựng và các công ty cung cấp dịch vụ, và các tổ chức, cá nhân có liên quan khác.

Theo Chương trình Tiêu chuẩn hóa Quốc gia của Singapore, việc lấy ý kiến ​​cộng đồng là bước quan trọng trong quá trình phát triển hệ thống tiêu chuẩn của nước này. Công chúng được mời cung cấp phản hồi về dự thảo Tiêu chuẩn Singapore để công bố và đề xuất các hạng mục công việc để phát triển và xem xét Tiêu chuẩn Singapore và Tài liệu tham khảo kỹ thuật. Việc thiết lập Tiêu chuẩn Singapore được thực hiện theo các yêu cầu của Tổ chức Thương mại Thế giới về việc phát triển các tiêu chuẩn quốc gia.

Các cơ quan quản lý nhà nước, các công ty sản xuất cáp điện của Việt Nam và các thương nhân lưu ý cập nhật quá trình và nội dung thay đổi của các quy định này nhằm đáp ứng yêu cầu của sở tại khi xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Singapore.

Thương vụ Việt Nam tại Singapore khuyến cáo, Singapore là quốc gia có hệ thống văn bản quản lý và tiêu chuẩn cao, khắt khe đối với các hàng hóa được tiêu thụ nội địa. Các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt các chính sách, tiêu chuẩn hiện hành; theo dõi chặt chẽ và nhanh chóng cập nhật các quy định, tiêu chuẩn mới, được điều chỉnh của Singapore để đảm bảo tránh những rủi ro, khó khăn trong việc xuất khẩu hàng hóa vào Singapore.

Hoàng Giang (theo Công thương)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin liên quan