Thủ tướng: Tiếp tục điều hành tốt hơn nữa chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả
ANCOFI – Chiều 5/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và lãnh đạo một số bộ, ngành về điều hành chính sách tiền tệ.
Cùng tham dự cuộc họp có Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, lãnh đạo NHNN, Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính.
Trước đó sáng cùng ngày, kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu rõ mục tiêu trong những tháng cuối năm là tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; đồng thời thúc đẩy tăng trưởng mạnh hơn, các cân đối lớn được bảo đảm và có thặng dư cao hơn, kiểm soát tốt nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách; bảo đảm an ninh tiền tệ, an ninh tài chính quốc gia.
Theo báo cáo của NHNN tại cuộc họp, trong 7 tháng năm 2024, bám sát chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã chủ động theo sát diễn biến kinh tế trong và ngoài nước để triển khai đồng bộ các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận tín dụng ngân hàng, phục hồi sản xuất, kinh doanh, tăng khả năng hấp thụ vốn, thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an toàn hoạt động hệ thống tổ chức tín dụng.
Đến ngày 31/7, tỷ giá trung tâm ở mức 24.255 đồng/USD, tăng 1,63% so với cuối năm 2023, mức trung bình thấp và ổn định so với các đồng tiền trong khu vực và trên thế giới.
Lãi suất đối với các khoản vay mới và cũ tiếp tục giảm, đến cuối tháng 6/2024, lãi suất cho vay bình quân ở mức 8,3%/năm, giảm 0,96% so cuối năm 2023; lãi suất tiền gửi bình quân ở mức 3,59%/năm, giảm 1,08%/năm so cuối năm 2023.
Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống phục hồi từ cuối tháng 3 và tăng dần qua các tháng, cao hơn so với mức tăng cùng kỳ năm 2023, đến hết quý II/2024 đạt 6% theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Cuối tháng 7/2024, dư nợ tín dụng gần 14,33 triệu tỷ đồng, tăng 14,99% so với cùng kỳ 2023 và tăng 5,66% so cuối năm 2023.
Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương phối hợp triển khai các chương trình tín dụng ngành, lĩnh vực như: Chương trình tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư; chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản, với tổng lũy kế 34,4 nghìn tỷ đồng.
Sau khi lắng nghe các ý kiến, phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh chính sách tiền tệ có vai trò hết sức quan trọng, hoạt động ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế; điều hành chính sách tiền tệ tốt sẽ tạo thuận lợi, nền tảng cho phát triển đất nước nói chung, các ngành kinh tế nói riêng.
Do đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thường xuyên tổ chức họp, làm việc với NHNN và các cơ quan liên quan để bảo đảm chính sách tiền tệ thông suốt, hiệu quả, phục vụ sự phát triển của đất nước, người dân, doanh nghiệp, không để xảy ra sai sót, ảnh hưởng kinh tế vĩ mô, sự phát triển chung, đồng thời bảo đảm sự an toàn hệ thống ngân hàng, tài chính quốc gia, nhất là khi tình hình có những biến động.
Báo Chính phủ cho hay, Thủ tướng đánh giá, tình hình thực tiễn thời gian qua cho thấy định hướng từ đầu năm của Chính phủ về “chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả” là cơ bản phù hợp và được NHNN tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, kết hợp hài hòa với các chính sách khác về tài khóa, thương mại, đầu tư, bất động sản…, góp phần để chúng ta cơ bản thực hiện được mục tiêu đã đề ra về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng cả 3 khu vực, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm và có thặng dư.
Thủ tướng hoan nghênh, biểu dương nỗ lực, cố gắng của NHNN và cả hệ thống ngân hàng trong thực hiện chính sách tiền tệ, góp phần vào mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội; cần tiếp tục phát huy và thúc đẩy hơn nữa trong thời gian tới.
Theo Thủ tướng, chúng ta đang có nền tảng kinh tế vĩ mô tốt, các tổ chức tài chính thế giới đều dự báo triển vọng tích cực của kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động của hệ thống ngân hàng vẫn còn những khó khăn trước mắt và lâu dài khi áp lực lạm phát còn cao, mặt bằng lãi suất có xu hướng tăng, tăng trưởng tín dụng chưa đáp ứng được yêu cầu, nhu cầu vay vốn tăng cao vào cuối năm, nhu cầu ngoại tệ tăng, rủi ro từ căng thẳng địa chính trị trên thế giới… Cùng với đó, tiền gửi trong ngân hàng hiện đạt khoảng trên 15 triệu tỷ đồng, số tiền này đã được hệ thống ngân hàng đưa vào nền kinh tế thông qua cấp tín dụng, Thủ tướng lưu ý cần tiếp tục đẩy mạnh tín dụng, hướng dòng vốn vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, tiếp tục sử dụng nguồn lực này ngày càng hiệu quả.
Thủ tướng nêu rõ trong bối cảnh đó, cần hết sức bình tĩnh, chắc chắn, giữ vững bản lĩnh, “thắng không kiêu, bại không nản”. Mặt khác, khẳng định các cơ quan càng ngày càng trưởng thành, có kinh nghiệm điều hành hơn, Thủ tướng chỉ ra một số kinh nghiệm như điều hành trên cơ sở dữ liệu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế nhưng phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam, đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài; điều hành không giật cục, phối hợp đồng bộ giữa các chính sách; đưa ra thông điệp, chính sách phải rõ ràng, dứt khoát, phù hợp thực tiễn và đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện; rút kinh nghiệm để làm tốt hơn và mở rộng hơn các gói tín dụng để khuyến khích cho các động lực tăng trưởng.
Xác định thời gian tới tình hình còn nhiều khó khăn, thách thức hơn là cơ hội, thuận lợi, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan tiếp tục bám sát diễn biến, nắm chắc tình hình trong và ngoài nước; tìm ra, khai thác thời cơ và thuận lợi, phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của đất nước; phản ứng chính sách phù hợp, kịp thời, hiệu quả, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội; kết hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ với các chính sách khác để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an ninh tiền tệ.
Về chính sách tiền tệ, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục nhất quán thực hiện theo Kết luận 64 của Trung ương về kinh tế – xã hội năm 2023-2024; điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách khác.
Cụ thể, điều hành tăng trưởng tín dụng khoảng 15%, tập trung cho các động lực tăng trưởng truyền thống và động lực tăng trưởng mới. Điều hành tỷ giá linh hoạt bằng các công cụ khác nhau. Tiếp tục chỉ đạo, vận động các ngân hàng tiết giảm chi phí, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để giảm lãi suất cho vay với các động lực tăng trưởng, các dự án hạ tầng; trong đó, các ngân hàng thương mại nhà nước tiên phong thực hiện “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.
Đồng thời, điều hành nghiệp vụ thị trường mở phù hợp diễn biến thị trường. Điều hành linh hoạt, hài hòa, hợp lý, cân bằng giữa lãi suất và tỷ giá. Điều hành tín dụng phù hợp diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế; thu hồi chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng từ tổ chức tín dụng không sử dụng hết và bổ sung cho các tổ chức tín dụng có khả năng tăng trưởng. Tiếp tục theo dõi, đôn đốc các tổ chức tín dụng quyết liệt triển khai các chương trình ưu đãi. Đẩy mạnh chuyển đổi số ngân hàng, giảm chi phí, chống tiêu cực, làm lợi cho người dân.
Cùng với đó, tăng cường quản lý, kiểm soát thị trường vàng, ngoại tệ một cách căn cơ, bài bản. Đẩy mạnh xử lý nợ xấu, triển khai quyết liệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”; tập trung thực hiện có hiệu quả phương án xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém; triển khai cơ cấu lại các ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt theo chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền. Làm tốt hơn công tác thông tin, truyền thông, chú trọng truyền thông rõ ràng, minh bạch về các sản phẩm của các tổ chức tín dụng, nâng cao hiểu biết của người dân. Đẩy mạnh giám sát, kiểm tra, tăng cường công khai, minh bạch.
Cũng theo Báo Chính phủ, tại cuộc họp, Thủ tướng hoan nghênh NHNN đề xuất tăng gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân lên 140 nghìn tỷ đồng với thời hạn cho vay tăng lên và lãi suất giảm đi; yêu cầu phải nghiên cứu điều kiện tiếp cận phù hợp, tìm cách làm bằng được gói tín dụng này vì đây là chính sách nhân văn, giúp những người khó khăn có chỗ ở.
Với các chính sách khác, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì thực hiện chính sách tài khóa theo hướng đẩy mạnh tăng thu, tiết kiệm chi, giảm phí, lệ phí, thuế VAT; đẩy mạnh đầu tư công, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư và kích hoạt mọi nguồn lực xã hội; phát hành trái phiếu Chính phủ với lãi suất giảm cho các công trình, dự án trọng điểm, các chương trình mục tiêu quốc gia…; đẩy mạnh phát triển, quyết tâm nâng cấp thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi; thúc đẩy thu thuế điện tử.
Về thương mại, đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao đẩy mạnh xuất khẩu, phấn đấu đạt kỷ lục xuất nhập khẩu khoảng 750-800 tỷ USD và xuất siêu trên 20 tỷ USD. Mở rộng thanh toán bằng đồng nội tệ với các nước. Thúc đẩy, kích thích tiêu dùng trong nước, phòng chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, đẩy mạnh thương mại biên giới, khai thác hiệu quả các FTA đã ký và đàm phán, mở rộng các FTA mới. Thúc đẩy kinh tế đối ngoại, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, nhất là thực phẩm Halal. Đẩy mạnh đầu tư (gồm đầu tư nhà nước, tư nhân, vốn ưu đãi ODA và đặc biệt là thu hút, giải ngân FDI). Triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các luật mới như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng.
Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh tinh thần của cuộc họp là giữ gìn, phát huy và thúc đẩy hiệu quả những việc đã làm được trong điều hành chính sách tiền tệ và các chính sách khác, tin tưởng ngành ngân hàng và các bộ, ngành đã làm tốt rồi phải làm tốt hơn nữa trong thời gian tới, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, phát triển đất nước nhanh, bền vững.
(Theo QLTT)