Người Việt chi 300.000 – 500.000 đồng/tháng để mua sắm online
ANCOFI – Báo cáo “Xu hướng thương mại điện tử Việt Nam năm 2024” mới đây của Q&Me đã cung cấp nhiều thông tin về thị trường thương mại điện tử nội địa trong 12 tháng qua (5/2023 – 4/2024), những đặc điểm hành vi của người tiêu dùng và các yếu tố chính ảnh hưởng đến mua sắm trực tuyến…
Báo cáo “Xu hướng thương mại điện tử Việt Nam năm 2024” ghi nhận trong 12 tháng qua, mức tăng trưởng của các danh mục hàng hoá trên các sàn thương mại điện tử trung bình đạt 48,2%.
Trong đó, lĩnh vực thể thao và du lịch và thiết bị gia dụng đạt mức tăng trưởng cao nhất, với tỷ lệ tăng trưởng lần lượt là 73% và 64%. Tuy nhiên, lĩnh vực làm đẹp và nhà cửa – đời sống vẫn là lĩnh vực có sức ảnh hưởng nhất với đóng góp doanh thu lần lượt 1,2 tỷ USD và 1,05 tỷ USD.
Theo báo cáo “Xu hướng thương mại điện tử Việt Nam năm 2024”, tần suất mua hàng trên các sàn thương mại điện tử của phần lớn những người tham gia khảo sát (32%) là vài lần một tuần. Xếp sau đó, 27% những người được hỏi sẽ mua sắm 1 lần trong khoảng 2 – 3 tuần và 22% sẽ mua hàng 1 lần mỗi tuần. Tuy nhiên, số lượng những người không mua sắm trong 2-3 tháng vẫn chiếm khoảng 3% những người tham gia khảo sát trong độ tuổi từ 18 – 49 tuổi.
Kiểm soát thương mại điện tử, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng |
Mặc dù tần suất mua hàng vài lần/tuần chiếm đa số, tuy nhiên, báo cáo cho thấy khách hàng chủ yếu chỉ chi từ 300.001 – 500.000 đồng để mua sắm trên các sàn thương mại điện tử mỗi tháng.
Tuy nhiên, điều đặc biệt là chênh lệch tỷ lệ chi tiêu 300.001 – 500.000 đồng/tháng và mức chi trên 2.000.000 đồng/tháng cho hoạt động mua sắm online của người Việt chỉ là 1%. Nhìn chung, chi tiêu mỗi tháng cho việc mua sắm trên các sàn thương mại điện tử của người dùng không có cách biệt quá lớn.
Cũng theo Q&Me, các chương trình khuyến mãi giảm giá, giá tốt và sản phẩm đa dạng là ba yếu tố quan trọng thu hút người Việt lựa chọn mua sắm trên các sàn thương mại điện tử, bên cạnh đó còn có các yếu tố như không bị giới hạn về thời gian và khoảng cách để mua hàng, dễ dàng xem các đánh giá hay tránh đám đông khi mua hàng…
Về những yếu tố tác động đến hành vi mua hàng trên các sàn thương mại điện tử, sản phẩm online có mức giá tốt ảnh hưởng đến 73% quyết định mua hàng của người Việt. Các chương trình khuyến mãi/giảm giá của sàn cũng đóng góp đến 69% quyết định mua sắm trực tuyến của khách hàng. Trong khi đó, thương hiệu chỉ có ảnh hưởng khoảng 25% lựa chọn mua hàng của người dùng.
Theo khảo sát của Q&Me, gần 50% khách hàng của các sản phẩm thời trang và sắc đẹp/sức khỏe cân nhắc mua sắm online là kênh mua sắm chính. Thời trang cũng ghi nhận kết quả tương tự với 44% khách hàng có xu hướng mua sắm chủ yếu trên mạng.
Shopee là sàn thương mại điện tử được nhiều người yêu thích và sử dụng nhiều nhất khi mua hàng trực tuyến, xếp sau là hai cái tên quen thuộc TikTok và Lazada. Tuy đứng sau, nhưng theo ghi nhận của báo cáo, dù ra mắt chậm hơn Shopee đến 7 năm, nhưng TikTok Shop hiện có tốc độ phát triển nhanh chóng, số lượng người dùng trong 12 tháng gần đây tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ 12 tháng trước.
Theo đó, Shopee được người dùng lựa chọn chủ yếu vì 3 lý do mức giá tốt và có nhiều khuyến mãi (76%), sản phẩm đa dạng (56%) và thời gian giao hàng nhanh (52%). Lazada, sàn thương mại điện tử phổ biến thứ 3, cũng thu hút người mua vì 3 yếu tố trên.
Tương tự như Shopee, TikTok Shop cũng được đánh giá cao về các chương trình giảm giá và mức độ đa dạng của sản phẩm. Tuy nhiên, yếu tố thứ ba thu hút nền tảng này là khách hàng dễ dàng tiếp cận những thông tin/đánh giá về sản phẩm và trải nghiệm mua sắm.
Qua báo cáo, có thể thấy người Việt hiện có xu hướng chuyển dịch khá nhiều sang mua hàng online. Chỉ khi mua các sản phẩm công nghệ, người dùng mới đa số lựa chọn mua hàng trực tiếp tại các cửa hàng.
Nhu cầu mua hàng ngoại tuyến của các nhóm hàng như thời trang, mẹ & bé, sức khỏe & làm đẹp trung bình chỉ đạt khoảng 10%, trong khi đó trung bình 58% những người tham gia khảo sát cho biết họ muốn mua các mặt hàng này trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, TikTok.
(Theo QLTT)